Dự thảo Luật đất đai 2023
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Dự án luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều điểm mới nhằm thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội về lĩnh vực này.
Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã triển khai việc tổng kết thi hành Luật Đất đai, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 245 điều quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nội dung lấy ý kiến ngoài bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật. Đó là 9 vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý – sử dụng đất đai
Luật đất đai tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Vì vậy cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn từ đó giải quyết được các tồn tại, vướng mắc và đạt được các mục tiêu đề ra.
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật đất đai sửa đổi cần phải giải quyết bài toán quy hoạch và bất động sản.
Luật đất đai sửa đổi góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, sửa đổi bổ sung các chế định về điều tiết của nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tham khảo bổ sung ý kiến của nhân dân
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo sửa đổi bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảolấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chủ trì, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác; các chuyên gia, nhà khoa học. Ý kiến góp ý tại hội nghị, hội thảo sẽ được cơ quan chủ trì tổ chức tập hợp, tổng hợp để xây dựng báo cáo lấy ý kiến gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023 thông qua các hình thức góp ý kiến trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc qua hộp thư điện tử: gopyluatdatdai.mttq@gmail.com.
Tính đến ngày 7/2, thống kê từ Vụ Đất đai cho thấy đã có 28 bộ, ngành, địa phương tại các khu vực trên cả nước ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật theo Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Về phía các bộ, ngành, Bộ TN&MT, Bộ VHT&DL, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân. Về phía các địa phương, hiện có 25 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch trên, bao gồm: Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Đăk Nông, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã nhận được 2 ý kiến góp ý bằng văn bản, 197 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.vn). |