Hà Lan ·
2 năm trước
 3883

Những dấu ấn đáng nhớ của nhà báo môi trường

Trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, báo chí, truyền thông có vai trò, trách nhiệm hết sức to lớn và quan trọng. Báo chí chính là cầu nối đưa thông tin đến với cơ quan hữu quan và bạn đọc.

Những năm qua, công tác toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, truyền thông chính là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung, xuất phát từ việc thay đổi nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng.

Tuy báo chí không trực tiếp liên quan đến các sự kiện nhưng chính là cầu nối đưa thông tin đến những cá nhân/bạn đọc quan tâm - những người sẽ trực tiếp tham gia làm nên sự kiện. Sức mạnh của thông tin từ báo chí giúp người đọc nhận định vấn đề và gieo mầm ý tưởng, đồng thời góp phần định hướng dư luận xã hội.  

Thực tế đã cho thấy, rất nhiều vụ phá rừng, ô nhiễm nguồn nước, buôn bán động vật hoang dã… được báo chí phát hiện sớm trước khi cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc.

Phóng sự “Thâm nhập thế giới ngục tù tàn sát động vật trong Sách Đỏ Việt Nam”

Tác giả:Võ Mạnh Hùng (Báo Điện tử VietnamPlus)

nhà báo võ mạnh hùng đoạt giải B thể loại báo điện tử

Loạt bài “Thâm nhập thế giới ngục tù tàn sát động vật trong Sách Đỏ Việt Nam” của nhà báo Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus được trao giả B ở thể loại báo điện tử trong lễ trao giải báo chí về Tài nguyên Môi trường lần thứ V

Loạt bài phóng sự điều tra với tiêu đề “Thâm nhập thế giới ngục tù tàn sát động vật trong Sách Đỏ Việt Nam” bao gồm 5 bài viết, của nhà báo Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus, đã gây được tiếng vang lớn trong làng báo chí.

Phóng sự đã được trao giải B ở thể loại báo điện tử, đây là loạt bài được Ban tổ chức đánh giá cao bởi nhiều thông tin mang tính phát hiện, thể hiện sự dấn thân, nỗ lực của tác giả.

Trong bối cảnh mặc dù Chính phủ đã có lệnh cấm và yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm bất hợp pháp… nhưng tình trạng buôn bán các loài hoang dã diễn ra công khai tại nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa (tỉnh Long An) - khu vực “điểm nóng” về buôn bán động vật hoang dã trong “Sách Đỏ” trái phép lớn nhất cả nước.

Qua đó, loạt bài đã chỉ ra được các điểm nghẽn bất cập trong công tác quản lý của chính quyền các cấp địa địa phương, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm tỉnh Long An; đồng thời đưa ra giải pháp quản lý, qua đó giúp cơ quan chức năng có thêm bằng chứng và kịp thời chỉ đạo ngăn chặn và xử lý vấn nạn, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã quý, hiếm.

Phóng sự “Xẻ thịt” đồi núi, tận diệt tài nguyên ở Hà Tĩnh

Tác giả:Tiến Đạt (Tạp chí Kinh tế Môi trường)

xẻ thịt đồi núi hà tĩnh

Một trong 3 ngọn đồi bị xẻ thịt để khai thác đá bạc trái phép tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh do phóng viên ghi nhận lại vào sáng 4/3. (Ảnh: Tiến Đạt)

Tạp chí Kinh tế Môi trường – Cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có loạt bài phản ánh vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh (hay còn gọi là đá bạc) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép đá bạc rầm rộ, cách thức tinh vi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều ngọn đồi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường.

Tình trạng khai thác trái phép đá bạc đã diễn ra trong thời gian dài, từ khoảng đầu năm 2020. Việc khai thác rầm rộ, cho thấy những đối tượng này đã bất chấp quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm khai thác khoảng sản trái phép.

Nghiêm trọng hơn, ngoài khai thác đá bạc khiến các đồi núi bị "xẻ thịt", những “khoáng tặc” này còn khai thác đá ngay tại đập dâng Lạc Tiến, nơi có dự án đập tích trữ nước để phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng. Việc khai thác này dẫn đến nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, mất an toàn cho dự án.

Ngay khi có thông tin phản ánh, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT địa phương nơi có hoạt động khoáng sản trái phép để tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định.

Về quan điểm xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, Bộ TN&MT luôn khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh, dứt điểm đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép do những tác động gây ra cho môi trường, trật tự kinh tế xã hội trong suốt thời gian qua.

Phóng sự “Bức tử hồ Đại Lải"

Tác giả:Giai Thanh (Báo Nhân Dân)

bức tử hồ đại lải

Báo Nhân Dân đã phát hiện và đăng tải loạt bài “Bức tử hồ Đại Lải” phản ánh việc các doanh nghiệp “đua nhau” bức tử hồ Đại Lải, đặc biệt là sai phạm nghiêm trọng của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam ngang nhiên bạt cả quả núi lấp hàng trăm ha lòng hồ Đại Lải mà khởi nguồn từ Quyết định 41 trái pháp luật của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ phản ánh của Báo Nhân Dân, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5740/VPCP-NN do ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm ký ngày 14/7/2020 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu liên quan đến hồ Đại Lải.

Văn bản nêu rõ, hồ Đại Lải là công trình cung cấp nước ngọt cho Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ một quả đồi sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Loạt bài “Doanh nghiệp độc ác giết chết một dòng sông”

Tác giả:Anh Thế (Báo Điện tử Dân trí)

nhà báo anh thế

Loạt phóng sự điều tra 4 kỳ “Doanh nghiệp độc ác giết chết một dòng sông” của nhà báo Anh Thế đã giành Giải C “Phóng sự xuất sắc về đề tài môi trường năm 2016”.

Loạt bài của Báo Điện tử Dân trí về vụ việc dòng sông Cẩm Đàn chảy qua địa phận huyện Sơn Động (Bắc Giang) bị Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đầu độc suốt nhiều năm bằng việc xả chất thải tuyển và luyện đồng trực tiếp. Tội ác với dòng sông này diễn ra ngay cạnh Quốc lộ 31, cách UBND huyện Sơn Động chưa đến 10km.

Nhà báo Anh Thế, Thư ký tòa soạn, Trưởng ban Bạn đọc Báo Điện tử Dân trí:

Là tác giả của loạt phóng sự này, tôi cảm thấy rất vui không chỉ vì giải thưởng cá nhân mình đạt được mà còn bởi đây là một hạng mục giải thưởng rất nóng bỏng, thời sự và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thiết thực. Có lẽ chưa bao giờ những vấn đề liên quan đến môi trường lại được dư luận đặc biệt quan tâm như hiện nay. Vì thế, việc Hội báo toàn quốc lấy đề tài môi trường để trao giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc là một sự lựa chọn rất ý nghĩa.

Ngay sau thông tin điều tra của Báo Dân trí đăng tải về vụ việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo khẩn thanh tra toàn diện công ty này, giải cứu dòng sông.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TN&MT cùng những thông tin khách quan của Báo Dân trí, doanh nghiệp đầu độc dòng sông là Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã chính thức có công văn gửi Báo Dân trí thừa nhận những sai phạm, thiếu sót trong quá trình hoạt động dẫn đến tình trạng ô nhiễm dòng sông Cẩm Đàn (Sơn Động - Bắc Giang). Công ty này sau đó phải đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Dòng sông Cẩm Đàn cung cấp nước cho cả một khu vực dân cư rộng lớn đã hồi sinh. Tại Hội báo toàn quốc 2017, loạt phóng sự điều tra 4 kỳ “Doanh nghiệp độc ác giết chết một dòng sông” này đã giành Giải C “Phóng sự xuất sắc về đề tài môi trường năm 2016”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thànhcho rằng, trong xu thế tin tức hiện nay, chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn; đồng thời các cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về tài nguyên và môi trường.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Thay mặt Bộ TN&MT, tôi đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng và chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ trong quá trình lớn mạnh của ngành tài nguyên và môi trường”.

Nguồn