Thanh Hóa vốn là nơi hội tụ nhiều điểm du lịch giàu tính lịch sử, rất phù hợp cho các hoạt động du xuân, cầu may đầu năm. Các điểm du lịch dưới đây đang ngày một nhận được sự lựa chọn của đông đảo du khách để cùng với gia đình, bạn bè đến trải nghiệm, tận hưởng khoảng thời gian thanh tịnh, an yên trong những ngày đầu năm mới.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm cách TP. Thanh Hóa 50 km về phía Tây, toạ lạc trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962, tiếp đó, năm 2012, nơi đây được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Được biết, sau khi đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi Hoàng đế và đóng đô ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng các kiến trúc điện, miếu… ở Lam Kinh làm nơi ở của các vua Lê khi về quê và nơi yên nghỉ của các vị vua Lê.
Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế kỷ XV. Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp đầu năm mới, rất đông du khách thập phương về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh để du xuân, vãn cảnh, dâng hương.
Hồ Cửa Đạt
Hồ Cửa Đạt là quần thể di tích nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cách trung tâm TP. Thanh Hóa 60km về phía Tây. Hồ Cửa Đạt thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Vào đầu tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về đây để dâng hương cầu lộc, cầu tài. Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt. Theo sử sách, danh nhân Cầm Bá Thước sinh ra ở huyện Thường Xuân là một trong những người lãnh đạo phong trào Cần Vương, hi sinh khi mới 37 tuổi. Còn theo truyền thuyết, Bà Chúa Thượng Ngàn, sinh vào thời nhà Trần, có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh. Tưởng nhớ công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, nhân dân đã lập 2 ngôi đền ở đây để thờ phụng.
Đền Cửa Đạt, nơi thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn.
Ở hồ Cửa Đạt còn có Đền Thượng – nằm trên một quả đồi cao cạnh hồ chứa nước thờ những người thợ hi sinh trong những năm xây dựng công trình kì vĩ này. Không chỉ nổi tiếng với những ngôi đền thiêng, quần thể di tích Cửa Đạt còn có cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Hồ Thủy điện Cửa Đạt là nơi du khách du thuyền ngắm cảnh, câu cá, thưởng thức những món ăn dân dã, hòa mình vào thiên nhiên kì thú, hùng vĩ và thanh bình.
Đền Nưa – Am Tiên
Nằm trên đỉnh núi Nưa của làng Cổ Định, xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa), huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) quần thể di tích lịch sử quốc gia Am Tiên là 1 quần thể bao gồm “núi Nưa – đền Nưa – Am Tiên” với tổng diện tích 100ha , gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Nơi đây không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, mà còn là một trong 3 huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam.
Huyệt đạo quốc gia tại Am Tiên.
Theo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa là một trong những huyệt khí rất linh thiêng. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng là ngày “mở cổng trời”. Nơi “mở cổng trời” là vị trí cao nhất của đỉnh núi, vị trí huyệt đạo. Vào những ngày trời quang mây tạnh, từ huyệt đạo có thể quan sát làng mạc, những cánh đồng rộng lớn. Theo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh huyệt đạo thì sẽ được mạnh khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc, đủ đầy.
Đặc biệt, trên đỉnh ngọn núi có giếng nước gọi là giếng Tiên, dù mùa nắng hay mùa mưa đều không bao giờ hết nước. Nhiều người khi đến đây còn xin nước uống để cầu sức khỏe, may mắn.
Phủ Na
Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ nằm ở chân dãy núi Nưa, thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Đây là vùng đất thiêng và là nơi bà Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô năm 248).
Lễ hội đền Phủ Na kéo dài trong suốt tháng 1 Âm lịch hàng năm. Tại đây thờ Bà Triệu, công chúa Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn. Du khách đến Phủ Na cầu may mắn, bình an, mùa màng tươi tốt. Đến với Phủ Na, du khách còn được xin “nước thánh”, một nguồn nước chảy từ dãy núi Nưa ra để xin lộc.
Chùa Thanh Hà
Chùa Thanh Hà là địa điểm du xuân hấp dẫn tại TP. Thanh Hóa, là điểm đến phổ biến trong dịp Tết. Vào Mùng 2 Tết, hàng ngàn người dân ở Thanh Hóa và các vùng lân cận tập trung tại chùa Thanh Hà để cầu may và bình an cho năm mới. Đây là dịp quan trọng để gia đình và bạn bè quây quần bên nhau và thực hiện các nghi lễ tâm linh truyền thống.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, khuôn viên chùa Thanh Hà được trang hoàng với đèn lồng và nhiều loại hoa, tạo nên một không gian rực rỡ. Sựu kiện này thu hút từ người già đến trẻ nhỏ, mọi người đến chùa với tâm trạng tôn nghiêm và mong muốn một năm may mắn, bình an và thịnh vượng.
Thiền viện Trúc Lâm
Hàm Rồng
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng là một trong những địa điểm đẹp để du xuân Thanh Hóa. Với vị trí độc đáo trên đỉnh đồi C4 Hàm Rồng, nơi đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn có cảnh sắc thiên thiên tuyệt đẹp và không gian yên bình. Trong dịp đầu xuân năm mới, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng thường thu hút đông đảo du khách và người dân đến đây để cầu may mắn và bình an cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh các hoạt động du xuân đi lễ đầu năm, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng Thanh Hóa còn thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu phúc và tiệc chay cho du khách. Nếu du lịch Thanh Hóa vào dịp đầu xuân năm mới, đừng quên ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng để trải nghiệm không khí xuân rộn ràng ở vùng đất lịch sử này.
Ngoài ra, đến với Thanh Hóa những ngày đầu xuân còn có các địa điểm du lịch tâm linh hút khách khác, như: Chùa Giáng (huyệnVĩnh Lộc), đền Trần, chùa Cao (huyện Hà Trung), chùa Bụt (huyện Hoằng Hóa) …