Bích Hải ·
2 năm trước
 5171

Những đôi giày, dép bền vững được làm từ rác thải đại dương

Trong 50 năm qua, con người đã tạo ra hơn 6 tỷ tấn chất thải nhựa. Trong số này, chỉ khoảng 9% được tái chế, 12% được đốt và 79% còn lại được tích tụ trong các bãi chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên. Trên một số hòn đảo ở Ấn Độ Dương, người ta ước tính rằng dép tông và những đôi giày đơn giản khác chiếm khoảng 25% rác nhựa đại dương. Thấu hiểu và xót xa, các nhà khoa học và nghiên cứu đã phát minh ra những đôi giày, dép làm từ rác thải đại dương và có khả năng phân huỷ, tái chế sau khi không còn sử dụng được nữa.

Tlejourn - những chiếc dép tông từ mảnh vỡ đại dương

Tlejourn (tiếng thái có nghĩa là “lang thang trên biển”) là những đôi dép đầy màu sắc được làm từ những mảnh vụn nhỏ của những đôi dép đã bị bỏ đi. Mỗi đôi dép là bản duy nhất. Nattapong Nithi-Uthai - Kỹ sư Cơ khí kiêm Giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ của Đại học Prince of Songkla ở tỉnh Pattani, Thái Lan - người đứng sau dự án này cho biết, dự án này không thiên về công nghệ mà chủ yếu thiên về tư duy.

dép

Hàng tuần, những “anh hùng rác” trên khắp Thái Lan đều tụ tập để thu gom rác. Giày bỏ đi được tách ra và vận chuyển đến cơ sở sản xuất của Tlejourn ở Pattani để tái chế. Chúng được làm sạch, cắt nhỏ và trộn với keo polymer, sau đó nén và đúc thành tấm. Kế tiếp, đế của các kích cỡ khác nhau được cắt ra. Những phần thừa tiếp tục được trộn lại để sản xuất tiếp.

Các vật liệu sau đó được vận chuyển đến một ngôi làng nhỏ ở Klong Maning, được một nhóm thợ lắp ráp dép tông và đóng gói. Sau khi thành phẩm, dép Tlejourn có nhiều giá khác nhau, từ 399 baht đến 1.980 baht (khoảng 13 USD đến 64 USD).

dép

Nattapong nói: “Rác thải không nên chỉ được sử dụng làm chất độn. Chúng nên được biến thành một sản phẩm mới, bán được. Nếu chúng ta sử dụng chúng làm nguyên liệu thô thì khả năng thương mại sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng chúng”.

Rothy’s - Mẫu giày làm từ rác thải nhựa

Rothy’s, một hãng giày Mỹ chuyên làm ra những mẫu giày vô cùng xinh xắn dành cho nữ giới, được làm từ những vỏ chai nhựa đã qua sử dụng. Chúng được thiết kế bởi Roth Martin và Stephen Hawthornthwaite, là hai nhà đồng sáng lập ra thương hiệu giày Rothy’s. Đặc biệt, cả hai đều chưa từng học qua trường lớp thiết kế.

Quá trình làm ra một đôi giày Rothy’s như sau: vỏ chai nhựa được lấy từ các trung tâm tái chế, rửa sạch và khử trùng, sau đó được cắt thành mảnh và hình thành các viên nhỏ. Các viên được nung nóng, sau đó rút ra thành các sợi filament mềm. Chương trình của máy tính sẽ thực hiện quá trình dệt nên các đôi giày dựa mẫu, màu sắc, kích cỡ đã được lập trình.

giày nữ

Những đôi giày của Rothy’s trông giống như vải hơn là nhựa, có hai kiểu dáng là Point được bán với giá ($145) và Flat ($125), hoàn toàn có thể giặt bằng máy và mất 40 phút khô ráo. Rothy có lượng khách hàng trên toàn cầu đặt mua sản phẩm trên mạng internet.

Ngoài ra, sản phẩm giày Rothy còn có khả năng tái chế lần nữa để biến thành thảm tập thể thao, đế giày cao su hay thảm lót sàn nhà. Martin cho biết: “Đến nay chúng tôi đã tái chế hơn 50 triệu chai nước nhựa để tạo nên những đôi giày. Bằng cách tạo ra sợi từ chai nhựa, chúng không nằm ở bãi rác và bị chôn lấp”.

giày nữ

Cũng như Rothy's, một công ty đóng giày có tên là Vivobarefoot cũng sản xuất giày từ chai nhựa sử dụng một lần. Những chiếc giày Vivobarefoot được làm lại từ nhựa tái chế trở thành những đôi giày bền, hiệu suất cao, được sản xuất để dựa trên cấu trúc giải phẫu của bàn chân người, mỗi đôi giày sẽ sử dụng 17 chai nước dùng một lần.

Theo Công ty, những đôi giày này rất tốt cho môi trường cũng như sức khỏe của người dùng với mẫu thiết kế theo kiểu tối giản, và đảm bảo được sự linh hoạt của đôi chân. Người mang sẽ được hưởng lợi từ cảm giác đầu vào của bàn chân cũng như bàn tay để tăng khả năng giữ thăng bằng và độ chính xác, đồng thời các cơ ở chân có thể phát triển tự nhiên và gắn kết hơn.

giày từ chai nhựa

Vivobarefoot không chỉ giảm thiểu số lượng chai nhựa trong đại dương của chúng ta mà còn tạo ra một chương trình giáo dục nhằm truyền bá nhận thức về tác hại của nhựa đối với đời sống biển.

Dép tông phân hủy sinh học làm từ tảo

Một nhóm nhà khoa học từ Đại học California San Diego (Mỹ) đã tạo ra công thức bọt xốp polyurethane làm từ dầu tảo, để làm ra những chiếc dép xỏ ngón thân thiện với môi trường. Nhóm nhà khoa học này bao gồm nghiên cứu sinh Natasha Gunawan, Giáo sư Michael Burkart thuộc Khoa Khoa học Vật lý, Giáo sư Stephen Mayfield thuộc Phòng Khoa học Sinh học và Nhà khoa học nghiên cứu về tảo Marissa Tessman. 

giày tảo

Loại bọt xốp thương mại vừa được các nhà khoa học chế tạo thành công này sẽ phân hủy trong phân trộn và đất sau 12 tuần và bị vi sinh vật ăn sau khi bị phân hủy thành phân tử. 

Các nhà khoa học tạo ra các khối xốp kích thước 2cm rồi ủ mẫu của mình trong môi trường phân trộn và môi trường chỉ có đất. Sau đó, các mẫu được cân và thử nén. Một bộ mẫu đối chứng được đặt trong các thùng rỗng và các điều kiện tương tự, nhiệt độ dưới 30 °C và độ ẩm cao.

Trong thời gian thử nghiệm ở 4 - 8 - 12 tuần sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã quan sát thấy sự xuống cấp của các khối bọt xốp. Ngoài việc tất cả các mặt của khối ngày càng trở nên xốp theo thời gian, một dấu hiệu xuống cấp khác là sự đổi màu. Các khối đối chứng duy trì màu trắng trong khi các mẫu thử nghiệm chuyển sang màu nâu trong môi trường ủ phân và màu vàng đối với môi trường đất. Tuy nhiên, sự khác biệt về màu sắc được giải thích là có thể do các sinh vật có nguồn gốc từ môi trường thử nghiệm gây ra.

Giày vải Sneature - Giày làm từ lông chó dệt kim 3D

Giày vải sneature là một đôi giày thể thao có đế bằng sợi nấm và phần trên dệt kim được làm từ lông chó bỏ đi, gồm ba vật liệu tái tạo, dựa trên sinh học, cho phép nó được tách rời và tái chế hoặc ủ công nghiệp sau khi sử dụng. Sản phẩm này do nhà thiết kế người Đức Emilie Burfeind tạo ra với mong muốn thiết kế một đôi giày thể thao được làm từ ít thành phần nhất có thể và có khả năng phân hủy sinh học sau khi sử dụng.

Đôi giày này không có dây buộc và phần đế gắn liền với chiếc tất liền mạch được làm từ lông chó do công ty khởi nghiệp Modus Intarsia ở Berlin cung cấp.

giày lông chó

Lông chó sau khi thu gom, được kéo thành sợi chất lượng cao được gọi là Chiengora, có khả năng giữ nhiệt tốt hơn 42% so với lông cừu. Phần trên của đôi giày được sản xuất nhờ công nghệ dệt kim 3D. Tuy vậy, thay vì nấu chảy sợi nhựa để tạo ra hình dạng rắn, giày được kết dính thông qua sợi ngang và sợi dọc. Đáng lưu ý, chỉ trong một lần “in”, thân giày được làm mà không có đường nối hoặc chất thải, cũng như không cần phải sử dụng các vật liệu khác nhau.

vải lông chó

Việc sử dụng công nghệ dệt kim 3D cho phép nhà thiết kế tạo ra mẫu giày có cấu trúc đa dạng thông qua việc lập trình từng đường may riêng lẻ. Sợi đan có thể được chế tác sao cho mềm hơn hoặc cứng hơn ở một số chỗ, thoáng khí hơn hoặc đàn hồi hơn ở những chỗ khác. Một phần của giày được nhúng vào cao su thiên nhiên lỏng có nguồn gốc từ nhựa cây cao su để tạo ra một tấm chắn bùn chống thấm nước dọc theo đế giày. Sợi nấm, cấu trúc dạng sợi mà nấm sử dụng để phát triển, được trộn với chất nền xenlulo làm từ cây gai dầu và các phế phẩm nông nghiệp khác, được trồng trong khuôn để tạo ra đế ngoài và tấm lót trong.

Sau khi không còn sử dụng được nữa, hỗn hợp sợi nấm có thể được cắt nhỏ, nghiền thành bột và tái sử dụng trong khi vải có thể được tách thành các sợi riêng lẻ trước khi nguyên liệu này một lần nữa được kéo thành sợi tái chế.