Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án nhà ở đủ điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, tính đến ngày 13/4/2023.
Theo công bố của Sở Xây dựng Hà Nội, 7 dự án đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản nằm ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Long Biên và huyện Thường Tín. Trong số đó có 1 dự án là nhà ở xã hội, còn lại là các dự án thương mại.
Tại quận Thanh Xuân, 2 dự án đủ điều kiện bao gồm: Tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora ở Triều Khúc do Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân VihaComplex ở phố Nguyễn Tuân do Liên danh Công ty CP In và Thương mại Thống Nhất và Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ làm chủ đầu tư.
7 dự án đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản nằm ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Long Biên và huyện Thường Tín.
Quận Nam Từ Liêm có 2 dự án gồm: Dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc quỹ đất 20% của dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 và Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS làm chủ đầu tư; Dự án tòa chung cư U38.1 thuộc lô đất F3-CH02 của dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ-Vinhomes Park do Công ty CP Kinh doanh Bất động sản S-Vin Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tại quận Đống Đa có dự án tổ hợp nhà ở và văn phòng (Miracle Tower) do Công ty CP In 15 làm chủ đầu tư.
Quận Long Biên có dự án nhà ở cao tầng để bán tại ô đất CT7 phường Phúc Đồng, quận Long Biên ở phường Phúc Đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Long Biên làm chủ đầu tư.
Tại huyện Thường Tín có dự án nhà ở thấp tầng để bán đối với các ô đất OM.20,OM.24, OM.25, OM.26, OM.27, OM.28 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất cả lô tại khu đất ký hiệu L.27 (đô thị số 1) do Công ty CP Đầu tư Phát triển Bất động sản Kim Cương làm chủ đầu tư.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà ở xã hội là chính sách thiết thực trong nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và an sinh xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng. Tuy nhiên, cơ chế vay do các ngân hàng này tự quyết định bằng nguồn vốn của tổ chức. Mức lãi suất của gói tín dụng này sẽ giảm 1,5% so với mức cho vay thông thường đối với với các chủ đầu tư tham gia phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Đối với người mua sẽ được hỗ trợ giảm 2%. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, cơ chế cho vay gói này sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng sẽ không đặt ra các điều kiện gì khác so với các khoản vay thông thường, nhưng với điều kiện phải thuộc các đối tượng mua nhà ở các phân khúc nêu trên. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 -2025, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề ra chỉ tiêu phát triển nhà ở năm 2023, gồm: tổng số nhà ở hoàn thành theo dự án trong năm là 21.100 căn; tổng diện tích nhà ở hoàn thành theo dự án trong năm là 4.110.000 m2; tổng số nhà ở và tổng diện tích nhà ở xã hội hoàn thành là 400 căn, 28.000 m2; diện tích nhà ở đạt 28 m2 sàn/người. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung đa dạng loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau. |