9 nội dung công việc giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám
Ngày 12/10/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 12/2023/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám. Theo đó, công việc giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám bao gồm: Xử lý ảnh viễn thám; Trích xuất dữ liệu nền giám sát ngập lụt từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; Chiết xuất thông tin ngập lụt; Biên tập lớp thông tin ngập lụt; Thành lập bản đồ giám sát ngập lụt; Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy của bản đồ giám sát ngập lụt; Xây dựng báo cáo giám sát ngập lụt; Giao nộp sản phẩm.
Việc kiểm tra, đánh giá độ tin cậy của bản đồ giám sát ngập lụt như sau: Lấy tối thiểu 10 mẫu trên dữ liệu ảnh viễn thám khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt phục vụ kiểm tra; So sánh bản đồ giám sát ngập lụt với mẫu; Độ tin cậy của bản đồ giám sát ngập lụt phải đạt trên 90%; Sửa chữa bản đồ giám sát ngập lụt sau kiểm ra (nếu có).Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
Quy định kỹ thuật quan trắc đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
Ngày 16/10/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Theo Thông tư này, nội dung quan trắc khí tượng thủy văn tối thiểu đối với từng loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn cụ thể như sau: Sân bay dân dụng quan trắc theo quy định của Bộ GTVT; Đập, hồ chứa loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa quan trắc theo quy định của Chính phủ; Bến cảng quan trắc hướng và tốc độ gió, mực nước biển, sóng, tầm nhìn xa phía biển, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;Cầu có khẩu độ không thuyền từ 500 mét trở lên quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ; Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất 03 lần/ngày vào 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ…
Về phương pháp quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng: Đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn như: đập, hồ chứa loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa; bến cảng; tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình; cáp trep phục vụ tham quan, du lịch: chủ công trình áp dụng phương pháp quan trắc cho phú hợp với thiết bị, công nghệ quan trắc nhưng phải bảo đảm độ chính xác các yếu tố quan trắc theo quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng thủy văn.
Đối với công trình như sân bay dân dụng; tuyến đường cao tốc; công trình mang tính chất đặc thù: chủ công trình áp dụng theo quy định của Bộ, ngành; Đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do tổ chức, cá nhân thành lập để quan trắc theo nhu cầu riêng không thuộc công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn tự quyết định phương pháp quan trắc cho phù hợp
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2023.
Ảnh minh họa
Kỹ thuật giám sát mực nước lưu vực sông bằng công nghệ viễn thám
Ngày 17/10/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 16/2023/TT-BTNMT quy định kỹ thuật giám sát mực nước lưu vực sông bằng công nghệ viễn thám. Theo Thông tư này, công tác kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu sản phẩm bao gồm các công đoạn sau: Kiểm tra, nghiệm thu cấp đơn vị thi công; Kiểm tra, nghiệm thu cấp chủ đầu tư; Thẩm định, nghiệm thu hồ sơ chất lượng, khối lượng sản phẩm.
Đối với các con sông có độ rộng trung bình và nhỏ (≤ 500 m), bờ sông có thể được mở rộng nhằm tạo một vùng đệm thỏa mãn điều kiện sao cho mỗi một vệt quỹ đạo vệ tinh đi qua đều có thể thu nhận được tối thiểu từ 2 - 3 điểm trong hình đa giác phục vụ tính toán độ cao mực nước trung bình.
Kết quả tính toán độ cao mực nước lưu vực sông được xuất ra dưới dạng tệp dữ liệu với định dạng ASCII, dưới dạng số thập phân và lấy đến 4 số sau dấu phẩy.
Dữ liệu viễn thám được thu thập có thời gian thu nhận tương thích với thời gian thu nhận dữ liệu đo cao vệ tinh, được hiệu chỉnh ảnh hưởng do độ cong Trái đất, sai số đầu thu và nhiễu khí quyển, được quy chiếu về Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ toàn cầu WGS-84, phép chiếu Geographic, được hiệu chỉnh sai số vị trí điểm sử dụng mô hình vật lý, các điểm khống chế ảnh và mô hình số độ cao.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường
Ngày 30/10/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 15/2023/TT-BTNMT quy định về cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.
Theo đó, có 6 loại cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường gồm: Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia; Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường lĩnh vực; Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường bộ, ngành; Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường cấp tỉnh; Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; Cơ sở dữ liệu mở quan trắc tài nguyên và môi trường.
Dữ liệu chủ quan trắc tài nguyên môi trường gồm: Công trình quan trắc; Trạm quan trắc; Điểm quan trắc; Thông số đo; Giá trị đo; Mẫu; Kết quả phân tích mẫu.
Thông tư quy định rõ, danh mục dữ liệu mở quan trắc tài nguyên và môi trường phải được rà soát, sửa đổi (nếu có) theo tình hình thực tế và định kỳ; dữ liệu mở đã công bố theo danh mục phải được cập nhật hoặc bổ sung (nếu có) trong thời hạn không quá 3 tháng kể từ thời điểm công bố.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/12/2023.
Mức phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường từ ngày 15/12/2023
Ngày 31/10/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường.
Theo đó, phí khai thác và sử dụng Bản đồ mạng lưới quan trắc (nước mặt, không khí, đất) như sau: Bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/250.000: 4.000.000 đồng/mảnh; Bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/100.000: 2.290.000 đồng/mảnh; Bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/50.000: 1.090.000 đồng/mảnh; Bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/25.000: 870.000 đồng/mảnh.
Phí khai thác và sử dụng Bản đồ hiện trạng môi trường (nước mặt, không khí, đất) như sau: Bản đồ hiện trạng môi trường tỷ lệ 1/250.000: 4.000.000 đồng/mảnh; Bản đồ hiện trạng môi trường tỷ lệ 1/100.000: 2.290.000 đồng/mảnh; Bản đồ hiện trạng môi trường tỷ lệ 1/50.000: 1.090.000 đồng/mảnh; Bản đồ hiện trạng môi trường tỷ lệ 1/25.000: 870.000 đồng/mảnh.
Trường hợp khai thác và sử dụng hồ sơ, tài liệu: quản lý chất lượng môi trường; quản lý chất thải và cải thiện môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; truyền thông môi trường; quản lý môi trường lưu vực sông, ven biển và biển: 800.000 đồng/báo cáo.
Tổ chức thu phí được trích lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 30% số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ địa hình quốc gia
Ngày 27/7/2023, Bộ Tài nguyên và tôi trường đã ra Thông tư 03/2023/TT-BTNMT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.
Theo đó, yêu cầu kỹ thuật thể hiện các yếu tố nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 như sau: Nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 được trình bày bằng các ký hiệu tương ứng theo mẫu Ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 quy định tại Điều 3 Phần II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Độ chính xác biểu thị các yếu tố nội dung bản đồ phải bảo đảm các quy định tại Điều 5 Phần I của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Mỗi đối tượng địa lý được trình bày trên bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 bằng một loại ký hiệu sau đây: Trình bày bằng ký hiệu theo tỷ lệ khi các đối tượng địa lý hình tuyến có chiều rộng đạt từ 1m trở lên đối với tỷ lệ 1:2.000 và 2,5 m trở lên đối với tỷ lệ 1:5.000; Đối với các đối tượng địa lý dạng vùng nguyên tắc trình bày bằng ký hiệu theo tỷ lệ được quy định chi tiết theo từng nhóm dữ liệu bản đồ; Trình bày bằng ký hiệu nửa theo tỷ lệ khi các đối tượng địa lý hình tuyến có chiều rộng nhỏ hơn 1 m đối với tỷ lệ 1:2.000 và nhỏ hơn 2,5 m đối với tỷ lệ 1:5.000; Trình bày bằng ký hiệu không theo tỷ lệ đối với các đối tượng địa lý không vẽ được theo tỷ lệ hoặc khi cần thêm ký hiệu tượng trưng đặt vào giữa ký hiệu theo tỷ lệ để làm tăng tính trực quan của bản đồ; Trình bày bằng ghi chú thuyết minh khi các đối tượng địa lý không có ký hiệu tượng trưng hoặc thuyết minh các tính chất của đối tượng địa lý. Ghi chú thuyết minh được quy định tại Phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Những yếu tố nội dung trình bày song song với khung nam bản đồ: Các ký hiệu không theo tỷ lệ trừ ký hiệu nhà không theo tỷ lệ và các ký hiệu trình bày theo các đối tượng địa lý liên quan; Tên dân cư, tên đơn vị hành chính; Ghi chú độ cao của điểm độ cao, ghi chú độ sâu của điểm độ sâu, các ghi chú tên riêng; Tên của các địa vật và ghi chú thuyết minh; Các ký hiệu tượng trưng cho phân bố thực vật, chất đất.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 29/12/2023.
Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7200637789995915