Nhiều dư địa tạo sức bật cho thị trường
Batdongsan.com.vn cho biết, tại khu vực phía Bắc, thị trường bất động sản (BĐS) tại Hà Nội (huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm…) đang tăng trưởng mạnh về nguồn cung, giao dịch. Ở khu vực phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung BĐS đa dạng, nhờ hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông mở rộng (đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy…) Còn khu vực phía Bắc Hà Nội cũng được hưởng lợi từ hệ thống đường Vành đai 3 và nhiều cầu lớn (cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long, cầu Tứ Liên trong tương lai…).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Tại các tỉnh phía Nam, nhiều tuyến đường vành đai, cao tốc khẩn trương hoàn thành đang tạo ra xu hướng xây dựng đô thị ly tâm phát triển, mở ra cơ hội cho tỉnh Bình Dương, Long An hay các huyện vùng ven TPHCM (Bình Chánh, Củ Chi…). Đơn cử, hệ thống tuyến metro đã và đang tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông TPHCM, hầu hết các dự án hưởng lợi theo metro đã có mức tăng giá cao.
Dự kiến năm sau, khi các cao tốc trục ngang Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3… hoàn thành sẽ tạo đột phá cho nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Nhờ đó, dư địa và động lực phát triển dành cho BĐS khu vực này sẽ có sức bật.
Thị trường BĐS đang đón nhiều dấu hiệu tích cực, đặc biệt là các chính sách sắp đi vào thực thi được dự báo sẽ sớm “ngấm” vào thị trường, tạo đòn bẩy để thị trường phục hồi từ quý IV của năm nay.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, trong bối cảnh thị trường BĐS còn đang cần thời gian để "ngấm" các chính sách "giải cứu" từ Chính phủ, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ở những công trình giao thông trọng điểm tại các địa phương chính là “chất xúc tác” mạnh mẽ để đưa thị trường BĐS sớm phục hồi.
Theo ông Đính, thị trường BĐS gắn với hạ tầng là nhân tố thu hút nhiều sự quan tâm và chú ý của nhà đầu tư. Tuy vậy, để đảm bảo đầu tư được an toàn, hiệu quả, nhà đầu tư cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin về khu vực, lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo Báo cáo “BĐS hạ tầng - Cơ hội và thách thức” do Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam (VIRES), thời gian qua các dự án hạ tầng thời gian qua mang đến nhiều cơ hội cho các địa phương, nhà đầu tư BĐS.
Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, quy hoạch hạ tầng đã tạo ra sự phát triển nóng, tràn lan, nguồn cung sản phẩm BĐS hiện hữu dư thừa, vượt xa nhu cầu thật, trong khi đó vẫn thiếu những dự án đáp ứng đúng nhu cầu. Ngoài ra, hạ tầng nhiều nơi đã hình thành nhưng chưa thực sự dẫn dắt được các nguồn vốn đầu tư xã hội và tạo ra sự phát triển bứt phá cho các địa phương; tình trạng đầu cơ đất đai gia tăng đã dẫn đến nhiều diện tích đất, nhiều khu đô thị "đắp chiếu", giá đất bị đội lên cao...
Thực trạng trên cho thấy cần có khảo sát, đánh giá đúng trong việc phát triển các dự án BĐS gắn với sự hình thành của hạ tầng giao thông tại các địa phương, để đề ra giải pháp phát huy lợi thế của hạ tầng và khả năng tạo vốn từ nguồn lực đất đai sau khi có hạ tầng.
Các chuyên gia cho rằng, hiệu quả của một dự án hạ tầng chỉ được hiện thực hóa khi sự phát triển các dự án BĐS bền vững và có sự dẫn dắt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và ngược lại, các dự án BĐS sẽ không thể phát huy vai trò là hạt nhân của đô thị nếu các dự án hạ tầng giao thông kết nối không được hình thành. Trong việc nắm bắt cơ hội phát triển và hóa giải những thách thức của BĐS hạ tầng thì sự phát triển đồng bộ, bền vững là yêu cầu tất yếu.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7581799475213076/?