Thành Phong ·
1 năm trước
 6824

Nói không với dịch vụ ‘tín dụng đen’ để tránh hậu quả khôn lường

Hoạt động đòi nợ thuê đã gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội. Liệu có những khoảng trống pháp lý trong quản lý loại hình tội phạm này?

Ảnh minh họa.

Núp bóng các công ty luật, công ty mua bán nợ, nhiều đường dây đòi nợ thuê quy mô lớn, gây hại tới hàng triệu nạn nhân vừa bị cơ quan chức năng phát hiện. Các tổ chức này lách luật ra sao để hoạt động trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng?

Thời gian gần đây lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố hàng loạt công ty có tổ chức hoạt động đòi nợ bằng các thủ đoạn cực đoan, hoặc đòi nợ thuê núp bóng dưới vỏ bọc các công ty luật, công ty mua bán nợ. Hình thức đòi nợ này gây bức xúc trong dư luận, gây hoang mang cho người dân, có những hệ lụy nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội, cả triệu người là nạn nhân. Nổi cộm nhất phải kể tới vụ án công ty Pháp Việt tại Tiền Giang vừa bị khởi tố mới đây. Trung bình mỗi tháng, công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính hàng trăm nghìn hợp đồng đòi nợ, tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Hoạt động đòi nợ thuê đã gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội. Theo Luật Đầu tư năm 2020, dịch vụ này bị cấm. Riêng việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính có quy định riêng và khá rõ ràng trong Thông tư số 43/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 18/2019).

Theo đó, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng khi đòi nợ không được đe dọa khách hàng; nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày và chỉ được diễn ra từ 7 - 21h, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến gia đình, tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ; ngoài ra phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Nhức nhối nạn đòi nợ thuê

Ngày 5/3, Công an Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 người để điều tra hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Trong số này, Trần Hồng Tiến, trú tại TP Hồ Chí Minh, là giám đốc điều hành hệ thống đã mở 7 công ty để thu mua hợp đồng khó đòi, sau đó dùng các thủ đoạn ép người vay phải trả. Từ tháng 7/2018 đến đầu năm 2023, các công ty của Tiến đã thu mua hơn 330.000 hợp đồng vay tiền của khách với tổng dư nợ hơn 3.500 tỷ đồng.

Ngày 3/3, Công an TP Cần Thơ đã bắt đối tượng Võ Thị Bích Tuyền (SN 1991, ngụ tại Hậu Giang) là người đứng đầu nhóm nữ tuổi "teen" tham gia tổ chức đòi nợ thuê qua App. Theo đó, nhóm đối tượng do Tuyền cầm đầu từ nơi khác đến, thuê nhà tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ để đòi nợ thuê cho công ty Bamboo, do người nước ngoài cầm đầu. Các đối tượng này tổ chức đòi nợ thuê bằng cách ghép hình ảnh, chửi bới, đe dọa các nạn nhân.

Trước đó, hồi tháng 12/2022, Công an TP Hồ Chí Minh cũng triệt phá ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ. Có khoảng 300 bị hại trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng bêu rếu.

Dịch vụ "đòi nợ thuê" mặc dù đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn đang tồn tại dưới các vỏ bọc khác mà tính chất nguy hiểm và phạm vi hoạt động rất phức tạp. Tình trạng này cần sớm được xử lý mạnh tay.

Bên cạnh sự trấn áp kịp thời, mạnh mẽ của cơ quan công an, thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần kịp thời kiểm tra, kiểm soát rốt ráo hơn nữa hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu phạm pháp.

Mặt khác, nhu cầu lấy lại tài sản của mình là chính đáng nhưng tính chất côn đồ của dịch vụ đòi nợ thuê khiến người ta có thể từ chủ nợ biến thành người phạm tội, do đó các tổ chức cá nhân cần nói không với "dịch vụ đen" để tránh hậu quả khôn lường.