Thanh Thúy ·
3 năm trước
 1135

Nới rộng không gian xanh

Các chuyên gia cảnh báo sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở một số đô thị lớn tại Việt Nam đã và đang gây hậu quả ngày càng xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống.

Những mảng xanh cần được nhân lên trong thời gian tới. 

Không chỉ làm đẹp cảnh quan, trong những ngày hè nóng bức như hiện nay, hệ thống cây xanh đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, chống ồn, chống bụi, giảm hiệu ứng bức xạ nhiệt đô thị.

Theo báo cáo về hiện trạng cây xanh, trong đó có nhóm cây xanh đô thị tại Việt Nam, của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ cây xanh đô thị trên mỗi người dân ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế (10 m2/người).

Nhân thêm những mảng xanh

Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, 690 triệu cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị (đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử...), nhằm nâng cao diện tích cây xanh đô thị.

Để hiện thực hóa chỉ tiêu này, theo các nhà chuyên môn, giải pháp khả thi nhất cho các đô thị là chia theo từng khu vực để bổ sung cây xanh cho hợp lý. Cụ thể, đối với các khu dân cư hiện hữu có mật độ cao thì khi chỉnh trang đô thị, làm đường giao thông, chính quyền nên mở rộng ranh bồi thường để trồng cây xanh ở dải phân cách hoặc trên vỉa hè. Riêng các dự án xây dựng khu dân cư mới, cần phải giám sát chặt chẽ chỉ tiêu về diện tích cây xanh để không bị thiếu hụt.

Như vậy, ngoài quỹ đất công dành phát triển không gian công cộng, theo quy hoạch, chính quyền các đô thị còn nhiều cách để phát triển diện tích cây xanh mà không phải giải bài toán khó trong quy hoạch. Đó là vận động tổ chức, cá nhân phát triển mảng cây xanh "sử dụng hạn chế".

Theo Nghị định 64/2010, cây xanh đô thị tại Việt Nam chia theo 3 nhóm: cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế (được trồng trong khuôn viên nhà ở, các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, công trình tín ngưỡng, công trình khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng) và cây xanh chuyên dụng (ươm trồng, nghiên cứu). Nhóm thứ hai cần được phát huy.

Gần đây, người dân đô thị có xu hướng sống lành mạnh, hòa với thiên nhiên tại nơi ở ngày càng gia tăng. Minh chứng là diện tích xanh hóa tại các nhà ở cá nhân ngày càng nhiều; rất nhiều khu đô thị vùng ven cũng đã và đang quy hoạch đồng bộ, lấy giá trị môi trường làm cốt lõi, xây dựng không gian xanh. Việc này nếu làm tốt sẽ giúp mảng xanh của đô thị tăng nhanh, ngày càng được nới rộng, cân bằng sinh thái.

‘Đô thị xanh’, ‘kiến trúc xanh’ tạo ra các không gian xanh đang là vấn đề cấp bách của thế giới, của xã hội về trách nhiệm và lương tâm của những người thiết kế công trình trong thế kỷ XXI trong bối cảnh sự khủng hoảng nghiêm trọng về sinh thái, môi trường và của biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống trên trái đất.  Xây dựng các đô thị với không gian xanh rộng lớn cũng không phải là một trào lưu mới, mà là sự kết hợp, hòa hợp các yếu tố quy hoạch, kiến trúc, con người hòa nhập với thiên nhiên, bảo tồn sinh thái, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng” KTS.TS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với nhiều công bố, nghiên cứu về tầm quan trọng của không gian xanh đối với việc sống tốt và sức khỏe cộng đồng đã chỉ ra rằng, các không gian xanh đô thị như công viên, sân thể thao, rừng cây, ven hồ và vườn mang đến cho mọi người không gian để hoạt động thể chất, thư giãn, yên bình và thoát khỏi nhiệt độ nóng bức. Theo đó, những không gian này làm giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất. Không gian xanh cũng góp phần giúp cho chất lượng không khí được cải thiện, giảm tiếng ồn giao thông.

Hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng trong thành phố có quy mô nhỏ, nhiều nhà cao tầng, chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, thiết kế mở rộng các không gian xanh tự nhiên, nhân tạo.

Trong mùa hè nắng nóng, những không gian xanh, khoảng xanh thực sự vô cùng đáng quý, nhất là với những thành phố dân số đông và có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để nhân lên các khoảng xanh trong thành phố, đặc biệt là trên các tuyến đường kiểu mẫu mới được quy hoạch, xây dựng.

Mở rộng phát triển các không gian xanh là hướng đi tất yếu của ngành quy hoạch, kiến trúc - xây dựng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và tương lai bởi nó đáp ứng được các giá trị của kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại, quá khứ cũng như tương lai.

Nguồn