TM ·
2 năm trước
 4701

Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” các chuyên gia nhận định ĐBSCL cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Buộc phải chuyển mình để thích ứng trước biển đổi khí hậu

Trên thực tế, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu lương thực thế giới tăng cao, trong khi sản xuất nông nghiệp chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, diện tích đất canh tác có xu hướng bị thu hẹp. Mặt khác, sản phẩm nông sản tiêu thụ trên thị trường hiện nay đòi hỏi cao về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… vì vậy nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng phải chuyển mình thích ứng và việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất là một trong những giải pháp tối ưu.

Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu? - Ảnh 1
Nhiều tỉnh, thành tại ĐBSCL đã và đang ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu được ban hành nhằm đáp ứng tốt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, Quyết định Số 825 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025 đã được ban hành nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại tọa đàm, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, sâu rộng và mạnh mẽ của cách mạng KH&CN, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; thời đại của toàn cầu hóa, hợp tác và phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang phải đối phó với những thách thức to lớn mang tính toàn cầu như an ninh - an toàn lương thực, tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh. Với vai trò trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp hiệu quả phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và của quốc gia, hằng năm, trường thực hiện gần 500 đề tài, dự án trong nước và quốc tế, phát triển và tập huấn, chuyển giao nhiều quy trình công nghệ cho vùng, cả nước và quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo đó, giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng trên là ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất (khu vực đô thị và nông thôn) và hiệu quả sản xuất; đồng thời giảm ảnh hưởng tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đối với môi trường.

Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu? - Ảnh 2
Cơ giới hóa đang áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL

Cụ thể, theo PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ: Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cần phải ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là yếu tố mang tính bắt buộc trong làm nông nghiệp công nghệ cao, với vai trò kết nối thông qua ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); hỗ trợ quy hoạch, tổ chức sản xuất; kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ nông sản…”

Đồng thời, theo các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp tại ĐBSCL cần dựa trên việc nắm bắt nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng.

Thạc sĩ Nguyễn Nhật Trường, Phó trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây ăn quả, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Thời gian tới, Viện tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu của thị trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới. Bên cạnh đó, Viện sẽ tổ chức đánh giá chất lượng các giống cây ăn trái đặc sản, bản địa, kịp thời phục tráng để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tùng Anh

Nguồn: Kinh tế Môi trường