Nguy cơ phía sau nước đổi màu
Ngày 12/5/2021, trao đổi với PV về kết luận của Viện Sinh học nhiệt đới trước hiện tượng nước đổi màu tím tại cống số 6 xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), TS Thái Vũ Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật Sinh thái và Môi trường (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, nước chuyển đổi màu tím là do sự phát triển của tảo D. Salina tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường nhưng sẽ gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nguồn tiếp nhận.
Theo TS Thái Vũ Bình, khu vực cống số 6 xã Tân Hải là nơi chứa nước thải của nhiều nhà máy chế biển thủy sản. Đặc trưng của nước thải chế biến thủy sản có: pH cao, độ mặn cao và chứa nhiều chất sinh dưỡng như Nitơ, Phospho, Sulfate... đây là điều kiện thuận lợi để D. Salina phát triển.
Nước hồ chuyển màu tím tại cống số 6 xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Kinh tế Môi trường ghi nhận vào đầu tháng 4/2021, xung quanh hồ là nhiều nhà máy chế biến thủy sản.
Thông thường, tảo D. Salina có màu xanh do chứa nhiều chất diệp lục như một số loài tảo khác, trong điều kiện thích hợp như đề cập trên, tảo sản sinh nhiều Beta Carotene và chuyển màu qua vàng và hoặc hồng tím như trường hợp ở hồ nước cống số 6 xã Tân Hải.
Chính vì thế, ông Bình nhận định, nguyên nhân khiến khu vực nước hồ cống số 6 xã Tân Hải đổi màu tím ngoài đặc trưng thời tiết và vị trí đầm, còn có nguyên nhân từ nước thải chế biến thủy sản.
“Trong quá khứ, đầm này đã có hiện tượng đổi màu (ngày 20/4/2017), như vậy cũng đúng vào thời điểm xảy ra lần này. Tuy nhiên thời điểm 2017 có sự chu chuyển nước đầm khá cao so với hiện nay nên tình trạng và màu sắc không rõ nét như đợt này.
Điều kiện thời tiết và chất lượng môi trường nước tác động làm tảo D. Salina bùng phát, về chiều ngược lại, chưa thấy tài liệu nghiên cứu nào cho rằng tảo D. Salina ảnh hưởng đến chất lượng nước. Tuy nhiên, việc bùng phát 1 loài tảo sẽ làm hạn chế đi một số loài khác do điều kiện môi trường bất lợi.
D. Salina là loài tảo không độc, đã có một số nghiên cứu nhằm làm tăng sinh khối loài tảo này để thu nhận Beta Carotene phục vụ cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, dinh dưỡng… Nhưng việc bùng phát loài tảo này sẽ là sự cạnh tranh môi trường sống với một số loài tảo, thủy sinh vật khác.
Sau khi nước hồ chuyển màu tím, cống số 6 xã Tân Hải đóng chặt tránh nước xả ra sông Chà Và.
Đặc thù của ngành chế biến thủy sản nói chung và ngành chế biến bột cá nói riêng là nước thải gây ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng và độ mặn cao. Ngoài ra, mùi hôi từ các cơ sở, nhà máy chế biến bột cá cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm nếu không có giải pháp quản lý, hạn chế và xử lý thích hợp”, ông Bình nêu quan điểm.
Vị chuyên gia môi trường này dẫn chứng, trong quá khứ, việc chu chuyển nước từ hồ nước cống số 6 xã Tân Hải ra sông Chà Và đã gây chết cá của các hộ nuôi, cơ quan chức năng đã buộc các cơ sở chế biến thủy sản tại đây đã phải bồi thường thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.
Từ đó, việc xả thải nước thải chế biến thủy sản chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nguồn tiếp nhận. Trong trường hợp cụ thể ở đầm xã Tân Hải, việc vận hành cống số 6 (có vai trò ngăn mặn và xả lũ) là rất quan trọng, cần tính đến các yếu tố về lượng và chất của nước trong đầm để có chế độ vận hành hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Chung, một hộ dân nuôi cá trên sông Chà Và (gần khu vực cống số 6 xã Tân Hải) lo lắng vì dấu hiệu cá chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Khai thác làm du lịch?
Trước đó, ngày 13/4/2021, Viện sinh học nhiệt đới đã có kết luận, hiện tượng nước trong đầm chứa trước cống số 6 xã Tân Hải đổi sang màu hồng tím là do sự phát triển mạnh của tảo lục D. Salina, không sinh ra độc tố, không gây ảnh hưởng cho sinh vật và con người.
Ngược lại, loại tảo này có ích được các loài thủy sinh vật sử dụng như là một nguồn thức ăn. Tuy nhiên, do hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng trong nước và tích lũy trong trầm tích ở điều kiện trao đổi nước kém, tù đọng lâu ngày làm cho các vi sinh vật kỵ khí hoạt động mạnh dẫn đến phát sinh các mùi khó chịu.
Theo thông tin một số tờ báo đăng tải, sau khi kết luận trên được đưa ra, cơ quan chức năng còn đề xuất có những nghiên cứu sâu về tảo D.salina để hiểu rõ hơn quy luật phát triển, các điều kiện môi trường chi phối từ đó có giải pháp phù hợp để quy hoạch, sử dụng, khai thác đầm có "cảnh quan đặc biệt" phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu sâu và nuôi cấy thương mại để làm thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, làm dược phẩm và thực phẩm chức năng…
Tuy nhiên, nhiều người dân xã Tân Hải tiếp tục lên tiếng phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn bởi mùi hôi thối khó chịu từ một số nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn gây ra khiến nhiều người không chịu được phải chuyển đi nơi khác, thậm chí có người dân còn bị các bệnh về đường hô hấp bởi hàng ngày sống trong không khí ô nhiễm.
Cá của hộ dân nuôi trên sông Chà Và gần khu vực cống số 6 xã Tân Hải chết chưa rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, hiện tượng nước chuyển màu tím ở cống số 6 xã Tân Hải được người dân phản ánh diễn ra thường xuyên, họ lo sợ nếu loại nước này được xả ra sẽ khiến cho nguồn nước trong vùng bị ô nhiễm, hàng trăm hộ dân nuôi cá trên sông Chà Và cạnh đó sẽ lại thiệt hại như đã từng xảy ra nhiều năm về trước.
Để làm rõ thêm vấn đề này, ngày 27/4/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu và UBND TX.Phú Mỹ làm rõ một số nội dung người dân xã Tân Hải phản ánh. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan này chưa có câu trả lời cụ thể.