Thành Phong ·
26 tuần trước
 8003

PGS.TS Lưu Đức Hải: Cần xem xét lại việc khai thác bauxite ở miền Bắc

PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, các mỏ bauxite ở miền Bắc rất khó để khai thác và lợi nhuận mang lại không nhiều. Đặc biệt, việc khai thác tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, khả năng phục hồi các moong mỏ sau khai thác rất khó khăn.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản đến 2030 tầm nhìn 2050 được Bộ Công Thương công bố vào đầu tháng 8/2023, trong giai đoạn 2021 - 2030, sẽ tập trung khai thác một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng như bauxite, titan, đất hiếm và niken, đồng, vàng.

Cụ thể, đối với bauxite, các hoạt động thăm dò, khai thác bauxite sẽ phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin). Theo quy hoạch, từ nay tới 2030, các dự án khai thác bauxite sẽ duy trì công suất thiết kế mỏ hiện có.

Hai mỏ tại Tây Tân Rai và Nhân Cơ (Lâm Đồng) sẽ được nâng công suất từ 650.000 tấn/năm lên khoảng 2 triệu tấn/năm, và xem xét đầu tư mới các mỏ tại Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Gia Lai với tổng công suất khai thác khoảng 68-112,2 triệu tấn quặng nguyên khai một năm.

Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Lâm Đồng.

Quy hoạch nêu tiêu chí, dự án đầu tư mới sản xuất alumin phải có công nghệ tiên tiến, trong đó công nghệ xử lý bùn đỏ phải sử dụng phương pháp thải khô, đảm bảo môi trường và khuyến khích có dự án sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn đỏ. Địa điểm do nhà đầu tư và địa phương lựa chọn phù hợp với đổ thải bùn đỏ, gần khu vực mỏ tuyển. Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất sản xuất alumin đạt từ 11.600 - 18.650 nghìn tấn/năm.

Về sản xuất nhôm kim loại, từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành thí điểm dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, sẽ có 3 dự án khai thác quặng bauxite được đầu tư mới tại miền Bắc, gồm Lạng Sơn (1 mỏ) và Cao Bằng (2 mỏ) với tổng công suất 1,55-2,25 triệu tấn quặng nguyên khai một năm.

Quy hoạch khoáng sản cũng nêu rõ, các mỏ bauxite khu vực Tây Nguyên (gần khu đông dân cư), sẽ xem xét thăm dò, cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ kinh tế xã hội. Còn các mỏ ở khu vực miền Bắc có chất lượng thấp sẽ khai thác để thu hồi tối đa khoáng sản, cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng trọt, phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu.

Cần xem xét lại

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản đến 2030 tầm nhìn 2050 đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, đối với việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam luôn rất tâm huyết. Năm 2020, VIASEE đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.

VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. VIASEE cũng sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.

"Khai thác bauxite ở Tây Nguyên sẽ mang lại nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Song chúng ta cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác để đảm bảo các vấn đề liên quan đến môi trường.

Đối với việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên, các tập đoàn của Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng và công nghệ để khai thác, đồng thời đảm bảo giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, việc khai thác bauxite tại miền Bắc, cần phải xem xét lại và tính toán một cách kỹ lưỡng", PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Theo Chủ tịch VIASEE, các mỏ bauxite ở miền Bắc cũng giống như các mỏ bauxite của Trung Quốc, rất khó để khai thác và lợi nhuận mang lại không nhiều. Đặc biệt, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn, khả năng phục hồi các moong mỏ sau khai thác rất khó khăn.

"Để khai thác được bauxite ở miền Bắc phải phá đá, phải nghiền quặng, nhiệt độ hòa tách là 240 độ C, trong khi đối với bauxite Tây Nguyên chỉ có 140 độ C, gấp gần 2 lần. Quan trọng hơn, bùn đỏ trong quá trình khai thác bauxite ở miền Bắc có chứa chất phóng xạ.

Mỏ bauxite có trữ lượng rất lớn ở Tây Nguyên chưa khai thác hết, vậy tại sao phải khai thác bauxite ở miền Bắc làm gì? Trong khi điều kiện khai thác và giá trị kinh tế mang lại hoàn toàn khác biệt.

Chính vì vậy, khi chúng ta chưa có đủ điều kiện khai thác bauxite ở miền Bắc thì cứ để nó nằm yên đó. Đến khi chúng ta có công nghệ tốt hơn và có những giải pháp phù hợp hơn thì hãy bàn tiếp", PGS.TS Lưu Đức Hải phân tích.

VIASEE kiến nghị Thủ tướng phát triển ngành công nghiệp Nhôm

Năm 2020, nhằm đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng khoá XIII về kinh tế - xã hội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản Bauxite và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên. Đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá Bauxite là tài nguyên khoáng sản có quy mô trữ lượng lớn và giá trị vào loại lớn nhất hiện nay của nước ta. Ước tính quặng bauxite Tây Nguyên có trữ lượng khoảng 7 tỉ tấn, có khả năng tạo ra 1,7 tỉ tấn Alumin lại có thể khai thác, chế biến thuận lợi hơn vào thời điểm này. Từ thực tế triển khai hoạt động khai thác và chế biến Bauxite tại hai nhà máy của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tại Lâm Đồng và Đắc Nông, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam Việt Nam với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về khoáng sản hàng đầu Việt Nam đã nghiên cứu, khảo sát, thực nghiệm thực tiễn để đưa ra những báo cáo khoa học có giá trị, ý nghĩa vận dụng phát triển ngành khai thác Bauxite.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam đã hoàn thiện về công nghệ chế biến Bauxite thành Alumin. Hiện nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam đã vận hành tốt các thiết bị công nghệ và có khả năng tự mở rộng quy mô sản xuất. Giá bán Alumin hiện nay và trong giai đoạn tới (2020-2030) cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất, nên sẽ tạo ra lợi nhuận rất lớn. Nếu thị trường thuận lợi như hiện nay, việc khai thác và chế biến quặng Bauxite thành Alumin có thể tạo ra giá trị lợi nhuận ròng từ khoảng 200 đến 300 tỉ USD, là nguồn thu lớn cho đất nước.

Đáng chú ý, trước những lo ngại về vấn đề môi trường trong khai thác, chế biến Bauxite, các nhà khoa học đánh giá, việc khai thác Bauxite không làm mất đất mà tận dụng lượng bùn đuôi quặng đang phải chôn lấp tại các hồ chứa đưa trở lại moong khai thác thì sẽ tạo ra đất canh tác mầu mỡ hơn, cũng không làm cạn kiệt nguồn nước. Đặc biệt, bùn đỏ từ quá trình khai thác Bauxite ở Tây Nguyên (loại chất thải hiện nay đang chôn lấp) không chứa chất phóng xạ, và có chứa nhiều nguyên tố đi kèm có thể sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc thép chất lượng cao.

Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng Bauxite Tây Nguyên.

“Với trữ lượng khoáng sản bauxite lớn như đã nói trên và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắc Nông; chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến Bauxite một cách hiệu quả, khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước”, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định.

Với tiềm năng và lợi thế rất lớn từ Bauxite Tây Nguyên, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. THội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến Bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.