Việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp hạn chế rủi ro.
Thảm họa sinh thái khó tránh khỏi
Biến đổi khí hậu toàn cầu có biểu hiện diễn ra nhanh hơn so với dự tính, thể hiện ở mức tăng nhiệt độ và mực nước biển dâng những năm gần đây nhanh hơn so với các thập kỷ trước đó. Mức tăng trung bình của mực nước biển thời kỳ 1901-2010 là 0,19mm/năm, tăng lên 2,0mm/năm trong thời kỳ 1971-2010 đến 3,2mm/năm thời kỳ 1993-2010; Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn, lũ lụt... xảy ra nhiều hơn, cực đoan hơn. Ở nhiều nơi trên thế giới như nhiệt độ cao nhất ở Paris năm 2020 lên tới 43 độ C, còn ở miền nam châu Âu như Tây Ban Nha, Ý lên tới 45,9 độ C, đều là những kỷ lục cao nhất.
Năm 2020 là một trong 6 năm liên tiếp nóng nhất với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn trung bình nhiều năm 1,1 độ C và thập kỷ 2011-2020 là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử quan trắc khí tượng. Lớp phủ băng ở Greenland tan nhanh hơn, gấp 6 lần so với năm 1990. Mưa lớn kéo dài kỷ lục ở lưu vực sông Trường Giang, Trung Quốc trong mùa hè năm 2020, gây ngập lụt nghiêm trọng, kéo dài ở nhiều vùng, đe dọa an toàn công trình thủy điện Tam Hiệp.
Ở Việt Nam, trong hai năm 2019 và 2020 đã xảy ra nhiều thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường như mưa lớn kéo dài trong tuần đầu tháng 8/ 2019 ở Nam Bộ và Tây Nguyên, trong đó ở Phú Quốc mưa trên 1000mm (khoảng 1/3 lượng mưa năm), gây ngập lụt nghiêm trọng; ngày 3/3/2020 mưa lớn ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong đó ở Hà Nội mưa với cường độ 145mm/24 giờ, cao kỷ lục trong 50 năm qua; Hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, kéo dài trong mùa khô 2019-2020 ở nhiều vùng trong cả nước, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên; Đặc biệt là đợt mưa lớn liên tục, kéo dài do ảnh hưởng trực tiếp của 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, kết hợp với các hình thế thời tiết gây mưa khác xảy ra ở các tỉnh miền Trung trong nửa cuối mùa hè năm 2020, dẫn đến ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất, gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Đó là những biểu hiện rõ ràng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay mà nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động của con người. Trong khi đó, tình hình phát thải khí nhà kính toàn cầu - nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu hiện nay chưa có gì cải thiện, nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng lên với mức chưa từng có trong quá khứ, trong đó khí CO2 tăng 47% so với trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1000-1750), trung bình tăng khoảng 1% /năm.
Để hạn chế nhiệt độ tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, đòi hỏi phải duy trì nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển ở mức 450ppm CO2 tương đương, nghĩa là thế giới phải giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu so với mức năm 1990 vào năm 2050 và sau đó tiếp tục duy trì việc cắt giảm đến cuối thế kỷ 21.Tuy nhiên, với tốc độ tăng hàm lượng khí CO2 2ppm/năm trong thời kỳ 2006 đến nay, sau 8 thập kỷ nữa (2100) hàm lượng khí CO2 sẽ tăng thêm 160ppm và đạt 570ppm. Trong khi theo kịch bản trung bình thấp (RCP 4.5), nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1,8 độ C, có thể 2,6 độ C vào cuối thế kỷ này. Nghĩa là một “thảm họa sinh thái” là khó tránh khỏi, nếu thế giới không có khâu đột phá trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Nhiều kỷ lục về thiên tai bị phá vỡ
Biến đổi khí hậu sẽ gây tác động mạnh hơn đối với nước ta so với những gì đã xảy ra trong thời gian qua. Những kỷ lục đã ghi nhận về thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong tương lai. Đó là quy luật khí hậu. Trong khi đó nhận thức của xã hội chưa đầy đủ về BĐKH, những tác động, ảnh hưởng và giải pháp ứng phó.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, trong thời gian qua, nhiều hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu thiên về giảm phát thải khí nhà kính như phát triển thủy điện nhỏ không có quy hoạch và thiếu kiểm soát; Phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió một cách ồ ạt, thiếu lộ trình, bằng cả vốn vay nước ngoài, không dựa vào khả năng của nền kinh tế trong nước, đến nỗi, theo Bộ Công Thương, khu vực Bình Thuận - Ninh Thuận không còn khả năng giải tỏa thêm công suất các dự án năng lượng tái tạo đến năm 2023 do hết khả năng truyền tải lên lưới điện quốc gia.
Thiếu quan tâm hoặc quan tâm chưa đủ trong việc thích ứng với BĐKH của các ngành, địa phương, chưa chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng chiến lược, cơ bản, lâu dài. Cần chú ý rằng, thực hiện tốt các giải pháp chiến lược thích ứng là nền tảng để giảm tổn thương do tác động của BĐKH và giảm áp lực lên hoạt động ứng phó khẩn cấp, thường là bị động, góp phần bảo đảm phát triển bền vững.
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu phải là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. Chủ động thích ứng là thực hiện các hoạt động điều chỉnh dựa trên cơ sở quy hoạch và quy hoạch lại, cơ cấu lại phát triển kinh tế-xã hội của ngành, địa phương phù hợp với xu thế tác động của biến đổi khí hậu, cả dài hạn do ảnh hưởng lâu dài của nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng và ngắn hạn do ảnh hưởng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, đồng thời thực hiện các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các đối tượng bị tác động, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Để ứng phó, cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, trước hết là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về BĐKH; coi chủ động thích ứng với BĐKH là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các ngành, lĩnh vực và các địa phương và phải phải triển khai thực hiện ngay từ bây giờ.
Cấm phát triển mới các dự án thủy điện nhỏ. Đối với các công trình thủy điện nhỏ đang tồn tại, cần đánh giá lại tính hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường của từng công trình, những công trình không còn hoặc ít hiệu quả, cần chấm dứt hoạt động và khôi phục lại môi trường tự nhiên trước đây.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm khoảng 7,41 hecta đất. Trong đó: 0,078 hecta đất ở, 0,256 hecta đất lúa, 0,808 hecta đất màu, 2,726 hecta đất rừng, 1,507 hecta đất sông suối. Trên mọi nhánh sông miền Trung đều có vài ba thuỷ điện. Tổng thuỷ điện vừa và nhỏ cả nước đến nay là 330 nhà máy với công suất lắp máy 7.666 MW. Nhân dữ liệu trung bình này lên thì biết, ta đã mất khoảng 21 nghìn hecta rừng, 11 nghìn hecta sông suối. Tôi cho rằng, chúng ta đã làm chưa tốt việc can thiệp vào thiên nhiên, không đúng quy luật, làm cho hậu quả của những tai biến thiên nhiên nặng nề hơn rất nhiều. Bình thường bão lụt tới, các thiệt hại mất 3 đồng. Nhưng có thủy điện nhỏ, con số thiệt hại sẽ gấp rất nhiều lần.
Thủy điện nhỏ khiến hậu quả tai biến thiên nhiên thêm nặng nề
Lũ lụt ở miền Trung gây hậu quả nặng nề trong năm vừa qua đã đặt ra vấn đề gây tranh cãi về tác động của thủy điện nhỏ.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thủy điện nhỏ làm thay đổi cấu trúc mặt đất, cộng thêm mất rừng, nước lũ sẽ xối thẳng vào đất… sẽ khiến hậu quả thiên tai thêm nặng nề.
Lũ lụt gắn với sạt lở đất, thậm chí nửa quả núi đổ xuống, chôn lấp nhiều người, thì đó không phải là thiên tai bình thường xảy ra, mà chắc chắn là do thiên tai cộng với những tác động của con người không đúng quy luật thiên nhiên.
Ví dụ, trên một khúc sông ngắn ở miền Trung mà có tới 3 hồ thủy điện. Quá trình ngăn nước sẽ làm thấm nước vào mặt đất và làm mặt đất bị bở rời. Tức là làm thay đổi cấu trúc vỏ Trái đất. Cộng với việc làm mất rừng, sẽ làm bề mặt đất, cấu trúc bị thay đổi rất nhiều. Và từ đó gây nên trượt lở đất, trượt lở núi.
Như vậy, những thảm họa đã xảy ra không phải là chuyện bình thường của tai biến thiên nhiên mà là tai biến thiên nhiên gắn với những tác động bất quy luật của con người làm tai biến thiên nhiên nặng hơn rất nhiều.
Thủy điện nhỏ bình thường không sao, nhưng khi thời tiết thay đổi, mưa lũ, nước dâng cao… thì phải xả lũ. Nếu tất cả thủy điện cần xả lũ, có thể gây ra tình trạng lụt lội vượt mức chịu đựng của nền đất nơi đó, ví dụ như trường hợp ở Rào Trăng.
Thủy điện nhỏ làm thay đổi cấu trúc mặt đất, cộng thêm mất rừng, nước lũ sẽ xối thẳng vào đất mà không có các cây bụi che chắn… Tất cả khiến hậu quả thiên tai lớn hơn rất nhiều.
Sản xuất điện cũng rất quan trọng, chỉ cần mất điện là nhiều hoạt động của cuộc sống đã ngưng trệ. Khi phát triển thủy điện, thậm chí là động viên sức đầu tư từ tư nhân vào thủy điện vừa và nhỏ, chúng ta không tính kỹ được bài toán chi phí lợi ích. Cụ thể, chúng ta sản xuất ra được từng này mêga oát điện. Nhưng cái giá phải trả là mất bao nhiêu rừng? Nếu tai biến thiên nhiên xảy ra sẽ làm mất bao nhiêu tài sản, sinh mạng của người dân… Tất cả những điều đó, lẽ ra chúng ta phải tính tới trong quyết định liên quan tới thủy điện vừa và nhỏ. Đằng này lại chưa tính tới.
Thế giới đã chuyển sang năng lượng gió, điện mặt trời từ rất lâu rồi, và chuyển điện gió, điện mặt trời ra ngoài khơi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn loanh quanh việc điện gió ở trong bờ. Sự thực, chúng ta có nhiều nguồn để sản xuất điện chứ không chỉ là thủy điện.
Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể làm rất nhiều thủy điện lớn. Nhưng chúng ta đã làm đến mức độ an toàn rất cao thì hãy đi tới làm thủy điện lớn. Chứ đừng tổ chức quá nhiều thủy điện nhỏ, vừa tốn rừng, vừa làm hỏng mặt đất. Cũng đừng làm ra được vài mêga oát điện rồi nói rằng: “không có tôi thì chết”.
Việc phát triển năng lượng tái tạo cần có lộ trình phù hợp với khả năng nền kinh tế của nước ta, không tiếp tục vay vốn nước ngoài để phát triển năng lượng tái tạo (xin nhắc lại rằng Việt Nam chưa có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu).
Tăng cường năng lực dự báo thiên tai, nhất là dự báo hạn dài, dự báo mùa. Những sự kiện thiên tai và thời tiết cực đoan xảy ra trong năm 2020 vừa qua đã bộc lộ rõ hạn chế, tồn tại trong công tác dự báo hiện nay, cần được các cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn đánh giá nghiêm túc, nhận thức đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để có phương hướng khắc phục.
Việc lắp đặt điện ở mặt đất tốn khá nhiều diện tích, nên nhiều nước đã bắt đầu đẩy ra ngoài biển. Hơn nữa, nhiều nước đã bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo từ biển. Tức là năng lượng từ sóng biển và năng lượng từ thủy triều. Có nghĩa, các nước họ đã tiến rất xa rồi. Nhưng Việt Nam hiện nay vẫn “lẽo đẽo” đi theo thủy điện vừa và nhỏ. Hiện nay Viện Hàn lâm khoa học cũng đã thử nghiệm các máy phát điện từ sóng biển, từ thủy triều.
Vì sao mình vẫn “lẽo đẽo” đi theo thủy điện vừa và nhỏ? Tuy chưa có đủ căn cứ, tuy nhiên lợi ích từ việc làm thủy điện nhỏ rất cao. Vậy, chúng ta có thể đặt câu hỏi, liệu có lợi ích nhóm này ở đây hay không?
Để xảy ra những thiệt hại do lũ lụt vừa qua, công tác dự báo cũng là vấn đề được đem ra “mổ xẻ”. Việc dự báo của ta thì các nước cũng chỉ đến thế mà thôi. Vấn đề ở đây là quy hoạch như thế nào. Hiện nay, thế giới người ta dùng từ: quy hoạch gắn với các rủi ro có thể xảy ra. Tức là, đừng bắt dân sống ở những vùng lũ nữa. Hãy bỏ kinh phí để tái định cư cho dân đến ở những vùng cao ráo, không có sạt lở, không có lũ ống, lũ quét. Nhưng để làm được điều này, thì những người lãnh đạo ở các địa phương phải biết thương dân.
Tài liệu tham khảo
1. GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, “ Biến đổi khí hậu, buộc phải thích ứng”.
2. Trần Hải, Mai Loan, “Làm thủy điện lớn, không làm thủy điện nhỏ”.