TM ·
2 năm trước
 5064

Phân biệt chủng tộc trong môi trường sống là như thế nào?

Environmental racism (tạm dịch: Phân biệt chủng tộc trong môi trường sống) đề cập đến những tác động không cân xứng của các hiểm họa môi trường đến những khu vực dân cư nghèo hoặc cộng đồng BIPOC (viết tắt của Black, Indigenous, and Person of Color, tạm hiểu là người da đen, người bản địa và người da màu).

Sự phân biệt này đã dẫn đến một khái niệm thứ hai đó là “Công lý môi trường” (environmental justice), là phong trào chống lại phân biệt chủng tộc trong môi trường sống, tập chung giảm thiểu những tác động môi trường tiêu cực đến tất cả mọi người, ủng hộ chính sách và luật môi trường công bằng, đồng thời thiết lập biện pháp bảo vệ cho cộng đồng BIPOC.

 

 

“Phân biệt chủng tộc trong môi trường sống” liên quan đến mọi khía cạnh của môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm rác thải, … và vẫn đang tiếp tục diễn ra hàng ngày. Bên cạnh những sự kiện nghiêm trọng được công bố rộng rãi, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng nước Flint ở Michigan, cũng có vô số những sự kiện khác tuy không được nhắc đến nhưng vẫn âm thầm diễn ra hàng ngày.

1Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ước tính có đến hơn 11% số ca tử vong hàng năm có nguyên nhân bắt nguồn từ ô nhiễm không khí.

Mặc cho cả thế giới đang cố gắng giảm lượng phát thải khí nhà kính và khói bụi ô nhiễm, hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong vì ô nhiễm không khí, thì ngày qua ngày, số lượng người mắc các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra vẫn không ngừng tăng lên.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cộng đồng BIPOC phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường không khí có chất lượng kém hơn nhiều so với người da trắng. Một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2021 cho thấy những người da đen, người gốc Tây Ban Nha và gốc Châu Á ở Hoa Kỳ có tần số tiếp xúc với ô nhiễm không khí dạng hạt mịn (pm2.5) cao hơn hẳn so với những người khác.

Một nghiên cứu khác vào năm 2001 cũng thống kê được số lượng người nhập viện vì các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí chủ yếu thuộc cộng đồng BIPOC.  

2, Đường gạch đỏ và cái chết nhiệt

Đường gạch đỏ (REDLINING), theo định nghĩa của từ điển Cambridge, là hành vi phân biệt, từ chối hoặc hạn chế cho vay tiền, vay thế chấp, hạn chế cung cấp các dịch vụ về nhà ở cho những người ở khu vực nghèo. Khoanh vùng đỏ trên bản đồ trước đây được đặc biệt dùng cho các cộng đồng người da đen và Do Thái.

 

Trung bình, bên trong vùng đỏ thường có nhiệt độ cao hơn khoảng 7oC so với khu vực bên ngoài. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do vùng đỏ ít được nhận tài trợ cho những dự án về môi trường. Trong khi những khu vực lân cận được đầu tư xây dựng hệ thống công viên, trồng cây tăng độ che phủ xanh, … thì tỉ lệ che phủ trong vùng đỏ vẫn cực kì thấp.

Theo thống kê, ở Hoa Kỳ nhiệt độ quá cao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thời tiết. Trong đó, nam giới trên 65 tuổi có tỉ lệ tử vong cao nhất và chủ yếu là người da đen. Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế hạn chế, không gian sống ít cây cối dẫn đến nền nhiệt trung bình cao hơn, ô nhiễm khói bụi nặng nề hơn được cho là nguyên nhân chính của vấn đề này.

3, Chất thải độc hại

Đổ thải chất thải độc hại gần khu vực sinh sống của cộng đồng BIPOC là một trong những hành vi bị lên án gay gắt nhất trong phong trào “Công lý môi trường”.  

Điển hình như một cuộc khảo sát diễn ra vào năm 1987 đã phát hiện ra rằng 60% người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha đang sống cách khoảng 2km quanh khu vực đổ thải chất độc hại. Một phần là vì ép buộc, một phần cũng là do tình nguyện khi chi phí sinh hoạt tại những khu vực này thường rẻ hơn.

Do đất đai thuộc quyền sở hữu của các bộ lạc bản địa Hoa Kỳ thường không bị ảnh hưởng bởi những điều chỉnh của luật liên bang, nên các doanh nghiệp thường lợi dụng điều này và trả phí hàng triệu đô la cho người dân bản địa nhằm đặt các khu xử lý chất thải độc hại hoặc hoạt động các mỏ khai thác uranium trên đất của họ.

Không chỉ có người dân bản địa và cộng đồng BOPIC ở Hoa Kỳ, người dân ở Tây và Trung Phi cũng phải chịu sự phân biệt chủng tộc về môi trường do Mỹ và các nước Châu Âu gây ra ngay trên lãnh thổ của mình.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019, các công ty ở Mỹ và Châu Âu đã đổ hàng trăm thùng chứa rác thải điện tử ở khu vực Tây và Trung Phi. Mặc dù đây là loại rác có thể tái chế nhưng vì cơ sở vật chất và trình độ không cho phép, người dân ở những khu vực này buộc phải gánh chịu những hậu quả mà số rác thải điện tử đó gây ra.

4, Ô nhiễm nguồn nước và vấn đề tiếp cận với nguồn nước sạch

Khan hiếm nước sạch đang là vấn đề báo động trên toàn thế giới hiện nay, đặc biệt là ở các vùng thuộc Trung Đông và Bắc Phi.

Theo thống kê của Cục bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, chỉ có dưới 50% dân số Châu Phi ở khu vực cận Sahara được tiếp cận với nguồn nước sạch. Càng ở những khu vực có nhiều người dân thuộc cộng đồng BIPOC, các chính sách và dự án cấp nước sạch càng bị ngó lơ.

Mặc dù hiện nay các tổ chức, cơ quan chính phủ trên toàn thế giới đã công nhận và tập chung nhiều hơn vào giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc trong môi trường sống, tuy nhiên hiệu quả đem lại vẫn chưa thực sự rõ rệt.

Là một cá nhân nhỏ bé bạn cũng có thể tham gia vào phong trào công bằng môi trường bằng cách:

  • Quan tâm nhiều hơn đến luật pháp và chính sách môi trường địa phương nơi bạn ở.
  • Liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện tình trạng bất công trong thực hiện các chính sách môi trường.
  • Tham gia cùng các tổ chức, cá nhân thực hiện những dự án hỗ trợ cộng đồng dân cư nghèo, BIPOC.
  • Không ngừng trau dồi và nâng cao hiểu biết của bản thân về các vấn đề môi trường, từ đó có thể linh hoạt hơn trong việc nhận thức được những biểu hiện của phân biệt chủng tộc trong môi trường sống đang diễn ra xung quanh.