Tạ Nhị ·
34 tuần trước
 9090

Phân khu đô thị sông Hồng có gì đặc biệt?

Phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan, có thể kể đến qua các mốc thời gian.

Vào tháng 4/2022, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Dựa trên quy hoạch được phê duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô.

Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên nguyên tắc: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ (không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ); không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016.

Đồng thời, đây cũng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

Quy hoạch cũng nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái hồ Tây-Cổ Loa; cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Quy hoạch có 3 phân đoạn chính, gồm: Phân đoạn từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long (đoạn R1-R2): Là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên trên cơ sở các làng xóm ven đô được dần đô thị hóa và đất bãi, đất nông nghiệp (trồng rau, hoa màu, cây cảnh...) của các quận, huyện Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm. Khu vực này được định hướng phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cụm cảng Chèm).

Phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4): Là khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với phía Bắc gồm các khu vực làng xóm đô thị hóa thuộc huyện Đông Anh, quận Long Biên và khu vực đất bãi được nghiên cứu xây dựng, phía Nam thuộc các quận nội đô như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, gồm đất ở đô thị với mật độ rất cao, đất bãi và khu vực bãi giữa. Khu vực này được định hướng là khu vực đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực hồ Tây-Cổ Loa.

Phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở (đoạn R5): Là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng các làng nông nghiệp truyền thống và các công trình di tích lịch sử. Khu vực này được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.

Trong quy hoạch phân khu lần này, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 6 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai-Thanh Trì, Chu Phan-Tráng Việt, Đông Dư-Bát Tràng, Kim Lan-Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá-Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).

Về giao thông trong khu vực quy hoạch, đối với đường bộ, sẽ xây dựng mới 2 tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng. Cụ thể, trục bờ hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang với tối thiểu 4 làn cơ giới và 2-4 làn hỗn hợp. Trục bờ tả Hồng từ cầu Thượng Cát-đê Tả Hồng-cầu Vĩnh Tuy-cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt rộng 40-60 m (6-10 làn xe).

Các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô (đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái) cấp hạng là đường liên khu vực quy mô 4-10 làn xe. Các tuyến đường chính đô thị, liên khu vực khác có bề rộng quy mô 40-50m (6-8 làn xe). Đặc biệt, đồ án xác định xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: Cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp); cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp).

Với thành quả ban đầu là đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt đã khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo của các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, những người yêu Hà Nội. Một TP hiện đại, văn minh đang rõ hình hài cùng việc hoàn thiện và hiện thực hoá đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Để hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quá trình triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư rất cần được xem xét kỹ, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự triển khai các dự án.

Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành từ Cổ Loa cho đến Vạn Xuân, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh và cho đến cả thời kỳ đầu khi Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước.

Sông Hồng chỉ trở thành xa lạ và không còn gắn bó máu thịt với đời sống cư dân Thủ đô kể từ khi người Pháp đặt ách đô hộ trên đất nước Việt Nam và tổ chức thành phố nhượng địa thủ phủ của Liên bang Đông Dương theo một mô hình khác trước.

Từ sau năm 1954, Hà Nội trải qua nhiều biến đổi nhưng trên cơ bản theo hướng lấy khu đô thị cổ truyền làm trung tâm và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, theo đủ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Sự phát triển của đô thị như thế, xét về mặt hình thức là bình thường, tự nhiên nhưng đi vào thực chất của từng kế hoạch, từng thời đoạn thì lại bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn, lúng túng. Trong đó có vấn đề xử lý vai trò, vị trí của sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô là hết sức phức tạp và nan giải.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6777777588948606/