Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, từ 1/1/2025, cả nước thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm toàn quốc phát sinh khoảng hơn 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Điều đáng nói, do không được phân loại từ nguồn, rác vô cơ hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến 80% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp.
Từ 1/1/2025, cả nước thực hiện phân loại rác tại nguồn. (Nguồn: Internet).
Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn từ tháng 6/2024. Cụ thể, 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn. Quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình chọn phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa là phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.
Sau 1 tháng thực hiện, việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đối với loại rác thải sinh hoạt cồng kềnh như bàn, ghế sofa, tủ,... Hà Nội vẫn chưa ban hành quy trình, đơn giá, định mức áp dụng do đó, các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn rất vất vả trong việc thu gom, vận chuyển đi xử lý do không được thanh toán chi phí vận chuyển.
Những thách thức, khó khăn chung
Đây là một trong những khó khăn chung của ngành. Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ tại Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” cho biết, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế như: Chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng rác thải kéo dài gây ô nhiễm môi trường; các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu.
Việc phân loại rác tại nguồn còn nhiều khó khăn. (Nguồn: Internet)
Ý kiến của ông Nguyễn Thành Lam nhận được sự đồng tình của các đại biểu. Liên quan đến phân loại rác tại nguồn, một số đại biểu cho rằng, có rất nhiều việc phải làm từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn là một bài toán khó.
Nhận định này nhận được sự đồng tình của bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Cộng đồng và Môi trường. Trao đổi trên báo Tiền phong, bà Đỗ Vân Nguyệt cho rằng, mức giá dịch vụ thu gom rác mang tính cào bằng không khuyến khích được người dân và doanh nghiệp phân loại rác. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng và năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu là thách thức mà không riêng gì Hà Nội gặp phải mà nhiều địa phương khác cũng rơi vào khó khăn tương tự.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, thay đổi thói quen phân loại rác là một quá trình lâu dài và bền bỉ, do đó, mỗi địa phương cần có những mô hình khác nhau. Đơn cử như các địa phương khi triển khai cần có quá trình thí điểm, làm nhỏ và chắc chắn với kết quả cụ thể rồi mới nhân rộng. Hơn nữa, các địa phương cần có lộ trình thực hành và kiên trì thay đổi, trong đó ưu tiên các khu vực sẵn sàng và có tính lan tỏa cao như trường học, văn phòng, chung cư và tổ chức đoàn thể.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả là do phần lớn người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực thu gom xử lý chất thải sau phân loại trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phù hợp với đổi mới công nghệ; thiếu các trạm trung chuyển tái chế, phân loại và xử lý rác
Cần làm tốt công tác tiếp nhận rác ngay từ đầu
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, đại diện Tổng công ty nước, môi trường Bình Dương cho biết, công đoạn đầu tiên cần làm tốt chính là khâu tiếp nhận rác sau đó phân loại. Tùy vào đặc tính của từng loại mới đưa qua dây chuyền xử lý chuyên biệt.
Theo các chuyên gia, cần làm tốt công tác phân loại rác ngay từ đầu. (Nguồn: Internet)
GS, TS Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Do đó, cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm rác thải phát sinh tại nguồn. Tuy nhiên, để đưa luật vào cuộc sống hiệu quả thì giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc phân loại rác tại hộ gia đình; huy động các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Nhất là nâng cao vai trò của các công ty thu gom rác trong giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Việc thu gom, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề nan giải với nhiều địa phương hiện nay. Để tăng hiệu quả phân loại rác tại nguồn trong thời gian tới, theo các chuyên gia môi trường, nên tập trung thực hiện đối với những quận, huyện có hệ thống thu gom ổn định và đồng bộ về kỹ thuật hoặc đối với những nơi đã thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt, sau đó nhân rộng theo mô hình.