Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 950-1.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.
Trong đó, TP.Vũng Tàu chiếm khối lượng lớn nhất với hơn 400 tấn/ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại được chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời.
Các vựa ve chai trên địa bàn xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đã được tập huấn, thực hiện thu mua rác tái chế cho người dân sau khi phân loại. (Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu).
Trong khuôn khổ dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” đang được triển khai tại TP.Vũng Tàu, tháng 8/2023, UBND xã Long Sơn, Công ty TNHH Đại chúng Hóa dầu SCG (SCGC) và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã tổ chức lớp tập huấn, hỗ trợ năng lực nghề nghiệp cho các chủ vựa phế liệu và người thu gom rác tái chế trên địa bàn thôn 1, xã Long Sơn. Đến nay, hàng chục cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn xã Long Sơn đã tham gia dự án phân loại rác, tiếp nhận và thu mua rác sau khi phân loại của người dân.
Điển hình, chủ vựa ve chai Hoàng Văn Toan ở thôn 1 cho hay: “Lượng ve chai chủ yếu được thu mua từ các hộ dân trong thôn, trong xã. Sau khi người dân phân loại, rác tái chế được tôi thu mua với giá từ 1.700-7.500 đồng/kg tùy loại. Khi thu mua, chúng tôi cũng hướng dẫn người dân loại nào có thể tái chế được để lần sau họ phân loại chính xác hơn”.
Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, tại TP.Vũng Tàu, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn được khởi động từ nhiều năm qua. Nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai.
Cụ thể, tháng 5/2021, UBND TP.Vũng Tàu ban hành kế hoạch triển khai công tác phân loại rác thải và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Tháng 5/2022, thành phố triển khai công tác phân loại rác thải và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy tại thôn 1, xã Long Sơn.
“Thành phố yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức hội, đoàn thể đưa việc phân loại rác và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa là một nhiệm vụ then chốt, trọng tâm, xuyên suốt cả hệ thống từ cấp thành phố đến cấp cơ sở.
Mặt trận lồng ghép phong trào “phân loại rác và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua “Xây dựng khu dân cư 3 không” và các phong trào khác”, ông Thuấn thông tin.
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc phân loại rác tại nguồn ngay từ mỗi gia đình có ý nghĩa rất quan trọng. Phân loại rác tại nguồn nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp.
“Việc phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn của TP.Vũng Tàu đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý”, ông Hải cho biết thêm.
Tháng 8/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Theo đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025, 80-98% rác thải rắn sinh hoạt tại thành thị và nông thôn được thu gom, xử lý; tỷ lệ phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt 30-50%... |