Thời gian gần đây, trước trụ sở của Ngân hàng Sài Gòn (SCB), một số người dân tụ tập đông đúc để bày tỏ sự bất bình liên quan đến các hợp đồng trái phiếu mua theo tư vấn của nhân viên ngân hàng.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng và Phó chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu tại cuộc họp ngày 4/11 đã yêu cầu SCB phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và các đơn vị khác, chủ động bố trí địa điểm tiếp người dân rộng rãi.
Trong đó, theo văn bản thông tin về kết luận chỉ đạo của TP HCM, SCB được yêu cầu cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, ân cần, lịch sự, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ và tuyệt đối không được né tránh. Tiếp đó, TP HCM cũng yêu cầu người dân bình tĩnh và thực hiện đúng theo quy định về giải quyết khiếu nại.
Vào ngày 7/11, SCB cũng lần đầu tiên tổ chức buổi làm việc trực tiếp với một số khách hàng mua trái phiếu của Công ty An Đông thông qua ngân hàng.
Mượn uy tín của nhà băng, nhân viên ngân hàng chào mời người dân mua trái phiếu một cách sai lệch và thiếu trung thực khiến nhiều người bức xúc tại cuộc họp. Nhiều người mua trái phiếu trong bối cảnh chung sau khi vừa tất toán sổ tiết kiệm, được giao dịch viên tư vấn chuyển qua loại sản phẩm mới.
Theo một số khách hàng lớn tuổi của SCB, nhân viên nhà băng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ, mời chào chuyển sang sản phẩm "Tiết kiệm linh hoạt rút gốc 31 ngày dưới dạng trái phiếu". Không chỉ vậy, nhân viên còn tư vấn đây là sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng lâu năm, có rủi ro rất thấp vì doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái với ngân hàng. Nhiều người lớn tuổi nghe theo lời nhân viên đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm tuổi già chuyển qua "loại sản phẩm mới" này.
Hợp đồng trái phiếu doanh nghiệp được nhà đầu tư mua qua Ngân hàng SCB. Nguồn ảnh: Internet
Nhiều khách hàng ký vào tờ uỷ nhiệm và ra về mà không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng đầy đủ.
Nhiều người dân tại cuộc họp với lãnh đạo SCB cho biết, khách hàng hoàn toàn không có cơ hội đọc kỹ cũng như huỷ hợp đồng trong 3 ngày từ lúc chuyển tiền mua theo quy định bời vì nhà băng giữ bản hợp đồng này hơn chục ngày mới trả. Đáng lưu ý, trên hợp đồng trái phiếu, mã số nhân viên tư vấn cũng thể hiện là một người khác, hoàn toàn không phải là nhân viên ngân hàng đã cung cấp thông tin cho họ.
Tại cuộc họp 7/11, theo ông Hoàng Minh Hoàn – Phó tổng giám đốc thường trực SCB, ngân hàng không chủ trương chỉ đạo cán bộ nhân viên tư vấn sai lệch cho khách hàng. Tuy vậy, ông khẳng định "ngân hàng không vô can trong vấn đề liên quan đến trái phiếu của khách hàng". Chính vì thế, ngân hàng cam kết cùng phối hợp với Công ty chứng khoán Tân Việt, tổ chức phát hành, các cơ quan chức năng có liên quan để đồng hành cùng với người dân.
Theo đại diện của chính quyền địa phương tại cuộc họp, SCB sẽ cùng các bên có liên quan tham mưu cho thành phố, sớm có văn bản gửi đến Trung ương để kiến nghị giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người mua trái phiếu.
Công ty chứng khoán Tân Việt cho biết, khách hàng mua trái phiếu An Đông qua SCB có khoảng 40.000 người, gồm 17.400 người sở hữu trái phiếu ADC.2018.09, hơn 5.000 người mua lô ADC.2018.09-01 và hơn 15.500 người mua lô ADC.2019.01.