Minh Phương ·
2 năm trước
 2375

Phát hiện 21 mô hình farmstay có sai phạm về đất đai trên địa bàn 4 tỉnh

Cơ quan chức năng vừa phát hiện 21 mô hình farmstay sai phạm về đất đai trên diện tích hàng trăm ha, đặc biệt 21 mô hình này chỉ nằm trong 4 tỉnh.

Thời gian qua, một số trang quảng cáo và các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những lời mời gọi đầu tư bất động sản theo mô hình farmstay tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Bình, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Lâm Đồng, TP.HCM, Long An...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn đề nghị các địa phương trên cả nước kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay).

farmstay sai phạm

Phát hiện hàng loạt mô hình farmstay sai phạm về đất đai.

Tính đến ngày 25/11, đã có 25 địa phương gửi báo cáo, rà soát sơ bộ về thực trạng mô hình farmstay (mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng). Trong đó, 7 tỉnh có 68 mô hình farmstay, 42 mô hình có xây dựng dự án đầu tư, 26 mô hình hộ gia đình tự sản xuất kinh doanh, với tổng diện tích trên 412 ha.

Đặc biệt, có 4 tỉnh với 21 mô hình farmstay có sai phạm về đất đai trên diện tích  hơn 132 ha. Các sai phạm chủ yếu là chuyển mục đích sai phép; thực hiện dự án khi chưa được giao; xây dựng trái trên đất nông, lâm nghiệp được giao quản lý, sản xuất.

Đáng lưu lý một số tỉnh, TP "nở rộ" farmstay trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng vẫn chưa có kết quả kiểm tra, rà soát như: Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Nai, TP.HCM…

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, farmstay là loại hình bắt nguồn từ các nước phát triển với mục đích cho du khách trải nghiệm, học tập kinh nghiệm, không phải kinh doanh lưu trú hay phân lô, bán nền.

"Mô hình này du nhập vào nước ta trong vài năm gần đây nhưng pháp luật hiện hành chưa đề cập đến mô hình này. Theo tôi, đây là một loại hình mới cần có những quy định cụ thể để phát triển theo xu hướng thị trường. Khách hàng khi tham gia farmstay cũng cần tìm hiểu kỹ hơn trước khi đầu tư", ông Đính cho biết.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhận định việc các chủ đầu tư kêu gọi đầu tư theo kiểu phân lô, bán nền trong các dự án farmstay là hành vi trái pháp luật vì bản thân farmstay là đất trang trại nông nghiệp.

"Chúng ta phải hiểu rõ việc họ kinh doanh đón khách đến tham quan, trải nghiệm nông nghiệp thì được phép, còn kinh doanh theo kiểu bán nhà thì không được vì Nhà nước không cho tách thửa đất nông nghiệp", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Theo ông Đặng Hùng Võ, chủ đầu tư kêu gọi đầu tư vào farmstay với "lợi nhuận khủng" không trái pháp luật dân sự, nhưng người góp vốn phải tỉnh táo để đi đến quyết định. "Chưa biết gì về farmstay mà lại ký hợp tác đầu tư, sau này lỗ mình phải chịu vì đây là giao dịch dân sự", ông Đặng Hùng Võ cảnh báo.

Trước đó, trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đánh giá, mục đích sử dụng đất của đất nông nghiệp, lâm nghiệp là trồng nông sản, trồng rừng, trong khi farmstay có cả lưu trú, kho bãi, xưởng chế biến và diện tích thương mại… Vì vậy, nếu là dự án farmstay đúng nghĩa, buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt.

Theo Luật sư Huy An, thời hạn sử dụng đất của đất nông nghiệp, lâm nghiệp chỉ là 50 năm và rất khó chuyển đổi thành đất ở, đất trồng cây lâu năm, nghĩa là rất khó để làm sổ đỏ. Các dự án farmstay chủ yếu chỉ có hợp đồng và cam kết thời hạn làm được sổ, nhưng không có gì chắc chắn, cũng không thể có sổ đỏ riêng cho từng chủ sở hữu. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng, nghiên cứu kỹ trước khi xuống tiền đầu tư vào mô hình này.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, để mô hình farmstay hoạt động được liên quan đến những quy định trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS. Nghĩa là, nếu thừa nhận mô hình farmstay và cho phép nó hoạt động, bắt buộc phải sửa luật. Đây là điều rất khó, thậm chí dù có chủ trương cũng mất rất nhiều năm. Trước mắt, theo tôi NĐT thứ cấp không nên mạo hiểm khi đầu tư vào mô hình này, tránh rơi vào hoàn cảnh bỏ tiền ra nhưng không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, thậm chí đối mặt với nhiều rủi ro không được pháp luật bảo vệ.

Theo thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam