Lan Hương ·
2 năm trước
 3628

Phát hiện dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 sử dụng hơn 100 lao động "chui" không có giấy phép là người Trung Quốc

Công an tỉnh Đăk Nông cần phải làm rõ hàng trăm người Trung Quốc lao động trái phép tại các dự án điện gió đã xâm nhập Việt Nam bằng con đường nào? Ai tổ chức cho họ vào Việt Nam lao động trái phép? Cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở và trách nhiệm công an địa phương vì đã để người nước ngoài lưu trú, lao động bất hợp pháp trong thời gian dài mà không phát hiện, xử lý!

3 dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 do Công ty TNHH Năng lượng Đắk N'Drung thi công. Được biết, các dự án điện gió Đăk N’Drung 1,2,3 đứng tên ông Đỗ Lê Quân đã được ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông ký cấp quyết định chủ trương đầu tư cùng một ngày (1/10/2020).

Theo phản ánh, khi chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, các doanh nghiệp đứng tên ông Đỗ Lê Quân đã đưa người Trung Quốc vào thực hiện dự án, gây bức xúc trong nhân dân ở các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang...

Sau phản ánh, ngày 12/5 vừa qua, một lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông đã xác nhận qua kiểm tra tại đự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 đã phát hiện 102 người Trung Quốc đang làm việc tại đây. Tuy nhiên, chỉ 1 người trong số này có đủ các giấy phép theo quy định. 101 người còn lại đều chưa đủ các điều kiện làm việc theo quy định.

dự án điện gió Đắk N’Drung

Qua kiểm tra, có 101 người Trung Quốc làm việc ở dự án điện gió khi chưa đủ các điều kiện cấp phép làm việc 

"Không biết tại sao biên giới xuất nhập cảnh lại cho vào. Nghe nói họ cũng thực hiện việc cách ly ở biên giới rồi. Cụ thể ra sao mình chưa biết... Số lượng người Trung Quốc qua làm việc vẫn còn tăng thêm" - vị này cho biết thêm.

Sau đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông đã mời đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công lên làm việc liên quan đến số lao động Trung Quốc "chui" trong các dự án điện gió của đại gia Đỗ Lê Quân.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của báo Nông Nghiệp Việt Nam, đại diện nhà thầu và đơn vị thi công mới cung cấp được danh sách những lao động Trung Quốc cho cơ quan chức năng chứ chưa có hồ sơ cụ thể. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đăk Nông đã yêu cầu các đơn vị này bổ sung hồ sơ và quay lại làm việc trong thời gian tới.

dự án điện gió Đắk N’Drung

Xây nhà xưởng đón người Trung Quốc vào làm dự án điện gió

Sau buổi làm việc, đoàn công tác ngành chức năng hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cấp phép. Các nhà đầu tư phải cam kết thực hiện hoàn thành các thủ tục, không tái vi phạm.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phò - chủ tịch UBND huyện Đắk Song - cho biết: "Việc quản lý người Trung Quốc tôi đã giao cho công an xã và công an huyện quản lý. Về số lượng thì ngày nay với ngày mai khác nhau, thay đổi từng ngày, không nắm cụ thể được".

Tuy nhiên, công an tỉnh Đăk Nông cần phải làm rõ hàng trăm người Trung Quốc lao động trái phép tại các dự án điện gió đã xâm nhập Việt Nam bằng con đường nào?

Ai tổ chức cho họ vào Việt Nam lao động trái phép? Cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở và trách nhiệm công an địa phương vì đã để người nước ngoài lưu trú, lao động bất hợp pháp trong thời gian dài mà không phát hiện, xử lý!

Về dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3, không chỉ bị người dân phản ánh về việc sử dụng lao động "chui" người Trung Quốc bất hợp pháp, mà trong quá trình thi công, doanh nghiệp này đã bị người dân địa phương nhiều lần phản đối gay gắt bởi nhiều lý do. 

Thứ nhất, người dân "tố" chủ đầu tư và chính quyền đã lừa dối mình khi bán đất để trồng cây dược liệu, nhưng cuối cùng chủ đầu tư lại làm dự án điện gió, dự án làm ảnh hưởng đến môi trường sống, xáo trộn sinh hoạt và không bồi thường thỏa đáng cho người dân. Người dân cần được bồi thường thỏa đáng và có chính sách bảo đảm môi trường sống cho mình. 

Hơn nữa, dù đã thi công rầm rộ từ đầu tháng 3/2021 nhưng đến nay các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cũng chưa được hoàn thành. Người dân vẫn chưa được đền bù thỏa đáng nhưng dự án đã tiến hành thi công kiểu "sự đã rồi".

Thứ hai, người dân xã Thuận Hà còn cho rằng các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 còn trái với quy định của Bộ Công thương tại Thông tư ngày 6/3/2020 rằng: Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m. Thực tiễn tại xã Thuận Hà cho thấy, nhiều vị trí trụ điện gió được chủ đầu tư xây dựng chỉ cách nhà dân có vài chục mét. 

Người dân đặt câu hỏi rằng dự án thực hiện không đúng khoảng cách, việc này sẽ được điều chỉnh ra sao, bao giờ thực hiện? Và ai sẽ bồi thường cho những gia đình nằm trong phạm vi 300m bị xâm phạm và đảo lộn cuộc sống trong quá trình thực hiện dự án? 

Thứ ba, nhận thấy một điều vô lý nữa rằng Thông tư ngày 6/3/2020 của Bộ Công thương về vấn đề quản lý sử dụng đất trong các dự án điện gió quy định rõ ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống… nhưng thực tế diễn ra ở Đắk Song với các dự án của ông Đỗ Lê Quân lại không phải như vậy.

Với riêng xã Thuận Hà, sau mấy mươi năm khai phá, đến nay, đây có thể xem là vùng đất trù phú bậc nhất huyện Đắk Song. Bên các xã Thuận Hạnh, đặc biệt là Nâm N’Jang cũng vậy, đều là những nơi từ lâu nổi tiếng với rất nhiều đại gia giàu có từ sản xuất nông nghiệp, trồng tiêu, cà phê…

Đó đều không phải là những vùng đấtđất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống như Thông tư ngày 6/3/2020 của Bộ Công thương nêu rằng ưu tiên phát triển công trình điện gió. 

Trước những bất cập kể trên, người dân đã vài lần phản đối dự án, ngăn cản chủ đầu tư đưa máy móc, thiết bị vào khu vực thực hiện dự án. Những vụ việc tụ tập đông người như thế này làm xáo trộn an ninh trật tự khu vực. 

Như đã kể trên, dự án còn sử dụng lao động "chui" người nước ngoài, khiến bà con bức xúc và phản ánh với chính quyền. 

Tư liệu từ Tuổi Trẻ/Nông Nghiệp