Chiến Chiến ·
22 tuần trước
 9882

Phát hiện mới: Miếng mút than hoạt tính trong máy lọc nước cũng có thể thu giữ khí carbon

Bằng cách sử dụng công nghệ sạc điện cho miếng mút than hoạt tính, các nhà khoa học Anh Quốc đã hiện thực hóa được công nghệ thu giữ khí carbon một cách đơn giản và tốn ít chi phí.

Các nhà khoa học của Đại học Cambridge, Anh Quốc đã phát hiện ra miếng mút bọt biển bằng than hoạt tính thường được sử dụng trong nhà bếp có thể hấp thụ được khí carbon - loại khí nhà kính làm Trái đất nóng lên và gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Họ cho rằng, phát minh này sẽ là một công nghệ mới có thể giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu một cách hiệu quả mà lại tiết kiệm chi phí.

Điểm cộng của miếng mút bọt biển than hoạt tính

Miếng mút than hoạt tính thường dùng trong máy lọc nước giờ đây cũng có thể trở thành "máy hút" khí carbon đơn giản.

Thông thường, miếng mút than hoạt tính được sử dụng trong các máy lọc nước gia dụng. Nó có thể lọc tạp chất trong nước nhưng không thể hấp thụ được khí carbon. Tuy nhiên, thông qua quá trình sạc pin, cơ chế của miếng mút than hoạt tính đã thay đổi và có thể hút được khí carbon. Tiến sĩ Alexander Forse, trưởng dự án nghiên cứu và các cộng sự đã sạc điện cho miếng mút than hoạt tính trong một hệ thống giống như pin. Miếng mút được đặt vào dung môi và truyền điện. Lúc này, các ion hydroxide tích tụ trong các khoảng trống của miếng mút than sinh học và hình thành liên kết với khí carbon, từ đó hấp thụ carbon ra khỏi không khí.

Lượng khí carbon sau khi hấp thụ cần phải được làm sạch và lưu trữ để ngăn cho nó không phát thải trở lại không khí. Bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ nung miếng mút than hoạt tính ở mức nhiệt 90 - 100 độ C (tương đương 194 - 212 độ F) để phá vỡ liên kết giữa carbon và các ion hydroxide. So với các phương pháp thu giữ carbon trực tiếp đòi hỏi mức nhiệt lên tới 900 độ C thì công nghệ sạc điện cho miếng mút than hoạt tính sẽ cần ít năng lượng hơn. Đây là công nghệ khá khả thi có thể góp một phần vào mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0.

Hạn chế của công nghệ sạc điện mút than hoạt tính

Thu giữ carbon là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng và công nghệ sạc điện cho miếng mút than hoạt tính cũng vậy. Hơn thế, điện năng sử dụng cho quá trình sạc điện chỉ có thể dùng năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, công nghệ này cũng có mặt hạn chế về khả năng hấp thụ carbon trong điều kiện độ ẩm tương đối tăng. Chính vì những mặt còn hạn chế mà phương pháp này vẫn bị các nhà khoa học khác chỉ trích dữ dội. Họ cho rằng, đây là phương pháp có xu hướng tốn kém, tốn tài nguyên và chưa được chứng minh hiệu quả trên quy mô lớn. Tiến sĩ Forse cũng nhận định, công nghệ sạc điện mút than hoạt tính không phải là một giải pháp hoàn hảo tuy nhiên vẫn có những lợi ích cho bầu khí quyển. Ông vẫn bảo vệ quan điểm là cần giảm lượng khí thải nhà kính bằng mọi phương pháp có thể.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge đang tập trung nghiên cứu giải pháp làm tăng lượng hấp thụ khí carbon của mút than hoạt tính. Tiến sĩ Forse hy vọng, công nghệ mới này có thể ứng dụng trong thực tiễn nhiều hơn và trên quy mô mở rộng hơn.

Một dụng nhà bếp đã được ứng dụng trở thành công nghệ thu giữ carbon một cách đơn giản và tốn ít chi phí.