Minh Anh ·
1 năm trước
 3656

Phát thải khí nhà kính gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường

Phát thải khí nhà kính do con người tạo ra gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. Nếu chúng ta không có hành động khí hậu mạnh mẽ, các tác động này sẽ ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn.

Nhiệt độ toàn cầu gia tăng tác động lâu dài, bất lợi đến khí hậu

Những khí gây hiệu ứng nhà kính này ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức nhiệt độ của Trái Đất, nếu như không có sự có mặt của chúng thì nhiệt độ của bề mặt Trái Đất trung bình hiện nay sẽ lạnh hơn hiện tại khoảng tầm 33°C (59 °F).

Theo các chuyên gia phân tích, đây được coi là nồng độ carbon dioxide trong khí quyển cao nhất, mức cao như vậy là hơn 3 triệu năm về trước. Lượng khí thải carbon dioxide do con người tạo ra phần lớn từ việc đốt nguyên nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, hậu quả của nạn chặt phá rừng, khai thác sử dụng đất không hợp lý.

Nhiệt độ toàn cầu gia tăng tác động lâu dài, bất lợi đến khí hậu. (Ảnh minh họa)

Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu có tác động lâu dài, bất lợi đến khí hậu và ảnh hưởng đến vô số hệ thống tự nhiên. Các tác động bao gồm sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão, ảnh hưởng đến hàng triệu người và gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng.

Theo ông Mark Radka, chuyên gia về năng lượng và khí hậu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho hay: “Phát thải khí nhà kính do con người tạo ra gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. Nếu chúng ta không có hành động khí hậu mạnh mẽ, các tác động này sẽ ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn”.

Các nhà khoa học của IPCC cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu 2°C sẽ bị vượt quá trong thế kỷ 21. Hơn nữa, việc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 sẽ “ngoài tầm với” trừ khi việc giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác được thực hiện nhanh chóng và sâu rộng trong những thập kỷ tới.

Đánh giá dựa trên dữ liệu về diễn biến sự nóng lên toàn cầu trong lịch sử, cũng như những tiến bộ trong hiểu biết khoa học về phản ứng của hệ thống khí hậu đối với khí thải do con người tạo ra.

Cùng với đó là phân tích của bà Valérie Masson-Delmotte, đồng chủ tịch Nhóm công tác I của IPCC: Rõ ràng trong nhiều thập kỷ qua, khí hậu trái đất đang thay đổi và vai trò ảnh hưởng của con người đối với hệ thống khí hậu là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng báo cáo mới "cũng phản ánh những tiến bộ lớn trong thống kê khoa học, tức là hiểu được vai trò của biến đổi khí hậu trong việc tăng cường các sự kiện thời tiết và khí hậu cụ thể.

Cần hiểu rõ về phát thải khí nhà kính để hiểu và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Mặc dù khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, khí nhà kính đã giảm, nhưng Báo cáo Khoảng cách phát thải mới nhất của UNEP cho thấy sự gia tăng trở lại và dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ít nhất 2,7 độ C trong thế kỷ này nếu các quốc gia không nỗ lực hơn để giảm lượng khí thải.

Khí nhà kính nào gây ảnh hưởng đến môi trường?

Carbon dioxide (CO2), metan và oxit nitơ là những khí nhà kính chính đáng lo ngại. CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, metan tồn tại trong khoảng 10 năm và oxit nitơ tồn tại trong khoảng 120 năm.

Trong khoảng thời gian 20 năm, metan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2, trong khi oxit nitơ mạnh gấp 280 lần.

Sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt cũng tác động trực tiếp tới nhiệt độ của trái đất

Vậy con người tạo ra khí nhà kính như thế nào?. Than, dầu và khí đốt tự nhiên tiếp tục cung cấp năng lượng cho nhiều nơi trên thế giới. Cacbon là nguyên tố chính trong các loại nhiên liệu này và khi chúng được đốt cháy để tạo ra điện, vận chuyển năng lượng hoặc cung cấp nhiệt, chúng sẽ tạo ra CO2.

Khai thác dầu khí, khai thác than và bãi chôn lấp rác thải chiếm 55% lượng khí metan do con người gây ra. Khoảng 32% lượng khí thải metan do con người thải ra là do bò, cừu và các loài nhai lại khác lên men thức ăn trong dạ dày của chúng. Phân hủy phân và trồng lúa cũng gây phát thải khí metan trong ngành nông nghiệp.

Hay như khí thải oxit nitơ do con người gây ra phần lớn phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp. Vi khuẩn trong đất và nước chuyển đổi nitơ thành oxit nitơ một cách tự nhiên, nhưng việc sử dụng phân bón và thải ra ngoài sẽ làm tăng thêm quá trình này bằng cách đưa nhiều nitơ vào môi trường hơn.

Khí flo - chẳng hạn như hydrofluorocarbon, perfluorocarbon và lưu huỳnh hexafluoride - là những khí nhà kính không xuất hiện tự nhiên. Hydrofluorocarbon là chất làm lạnh được sử dụng thay thế cho chlorofluorocarbon (CFC) - chất làm suy giảm tầng ozon, đã bị loại bỏ dần nhờ Nghị định thư Montreal. Những khí nhà kính khác được sử dụng trong công nghiệp và thương mại.

Mặc dù các khí nhà kính Flo hóa ít phổ biến hơn nhiều so với các khí nhà kính khác và không làm suy giảm tầng ozon như khí CFC, nhưng chúng vẫn rất mạnh. Trong khoảng thời gian 20 năm, khí Flo tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 16.300 lần so với CO2.

Những biện pháp mà chúng ta có thể làm giảm phát thải khí nhà kính

Tăng cường trồng nhiều cây xanh

Cây xanh sẽ hấp thụ khí CO2 thông qua quá trình quang hợp của cây xanh. Do vậy, việc trồng nhiều cây xanh sẽ giúp làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển một cách đáng kể, từ đó sẽ khắc phục hiệu quả hiệu ứng nhà kính.

Cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện

Điện năng được sản xuất từ việc đốt các nguyên liệu cũng như nhiên liệu hóa thạch. Khi các nguyên – nhiên liệu này đốt sẽ sinh ra một lượng rất lớn CO2 và thải ra môi trường. Không chỉ là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, sinh vật.

Sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường

Những phương tiện di chuyển phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi hoạt động sẽ thải ra khí CO2 rất nhiều và gây ô nhiễm môi trường, cũng như tăng hiệu ứng nhà kính.Chính vì vậy, nếu có thể bạn hãy tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, đi xe đạp hay đi bộ sẽ là những cách bảo vệ môi trường và trái đất hiệu quả nhất0

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh các công tác truyền thông để bảo vệ môi trường để mỗi người dân tự có ý thức để giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính bằng những các hành động đơn giản như liệt kê trên.