Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước
Chiến lược phát triển ngành dệt may được thông qua đáp ứng mong mỏi của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong thời điểm ngành đang đối diện với nhiều thách thức do suy thoái kinh thái kinh tế và phát triển bền vững được xem như yêu cầu sống còn.
Chiến lược phát triển ngành dệt may hướng đến nhiều mục tiêu lớn với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2% - 7,7%/năm. Phát triển ngành dệt may theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa, chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn.
Với kim ngạch xuất khẩu lớn, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động (ảnh: Hằng Thu)
Chiến lược định hướng phát triển thời trang dệt may, thúc đẩy và tạo gắn kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất, thiết kế phát triển sản phẩm và kinh doanh để tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước; phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu quốc gia kết hợp chặt chẽ với chiến lược tiếp thị và truyền thông.
Phát triển trung tâm thời trang tại hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; sản phẩm thời trang dệt may phục vụ nhu cầu trong nước, ngoài nước gắn với xu thế thế giới về các sản phẩm xanh, sản phẩm tiện lợi. Đến năm 2035, ngành dệt may phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Tháo gỡ nút thắt
Những năm qua, dệt may luôn là một ngành xuất khẩu quan trọng, chủ lực trong top đầu các ngành hàng có kim ngạch cao nhất của nước ta. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2022 dù chịu tác động của giảm đơn hàng trong quý 4 nhưng xuất khẩu dệt may cả năm vẫn đạt 44,5 tỷ USD.
Tuy đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng nhưng thực chất ngành dệt may chưa có một ngành sản xuất đúng nghĩa tức là sản xuất theo chuỗi với sự phát triển mạnh của công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, dệt may phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Theo thống kê, dệt may Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu. Khả năng nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu dệt may chưa lớn (khoảng 46 - 47%) nên giá trị gia tăng của ngành chưa tương xứng với giá trị xuất khẩu. Chưa chủ động được nguyên liệu là một trong những điểm nghẽn khiến dệt may chưa đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng ưu đãi về thuế quan của các FTA để gia tăng xuất khẩu đóng góp cho sự phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với DĐDN trước đó, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để hướng tới xanh hoá đáp ứng yêu cầu xuất khẩu bền vững, cần phát triển các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp dệt may. Đã có doanh nghiệp dệt may mong muốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tại miền Bắc nhưng lãnh đạo địa phương chưa mặn mà.
Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hoá là yêu cầu cấp thiết của sản xuất dệt may
Thiếu khu/cụm công nghiệp chuyên ngành, dệt may khó hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước do khó thu hút đầu tư ngành vải, phát triển công nghiệp phụ trợ góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm dệt may cũng như thiếu diện tích mặt bằng đủ rộng để đầu tư trang thiết bị cho việc xử lý hiệu quả các vấn đề môi trường.
Chiến lược phát triển ngành dệt may vừa được Chính phủ ban hành với những định hướng rõ ràng đã góp phần giải quyết tình trạng chưa mặn mà với các dự án dệt nhuộm của một số địa phương. Theo đánh giá của các chuyên gia, địa phương sẽ có sự nhìn nhận khách quan hơn về ngành dệt may đang cố gắng chuyển mình theo xu hướng xanh hóa; có cơ sở để xem xét, chấp thuận đối với các dự án dệt nhuộm phù hợp.
Cụ thể, Chiến lược phát triển ngành dệt may xác định xây dựng một số tổ hợp chuyên ngành tại ba miền Bắc, Trung, Nam (kết hợp với ngành dệt may) và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Chiến lược chỉ rõ: các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,...), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An...) để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…