Song Vũ ·
1 năm trước
 3685

Phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu cho các tỉnh miền núi phía Bắc từ thực tiễn tỉnh Yên Bái

Yên Bái là vùng kinh tế tổng hợp có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Bắc và vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đầu mối giao thông trung chuyển quan trọng của các tỉnh phía Tây Bắc và Đông Bắc, giữa miền xuôi và miền núi.

* Điều kiện tự nhiên tỉnh Yên Bái

Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La.

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.886,67 km2, xếp thứ 8 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính, gồm các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình; thành phố Yên Bái; thị xã Nghĩa Lộ, với 173 xã, phường, thị trấn (Thành phố Yên Bái là trung tâm hành chính-kinh tế - xã hội của tỉnh).

Yên Bái là vùng kinh tế tổng hợp có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Bắc và vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đầu mối giao thông trung chuyển quan trọng của các tỉnh phía Tây Bắc và Đông Bắc, giữa miền xuôi và miền núi. Là trung tâm đào tạo nghề và dịch vụ y tế vùng Tây Bắc và có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng.

- Địa hình

Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc – Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn – Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp.

+ Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội.

+ Vùng thấp có độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Ngày 24/01/2022, bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, các mục tiêu phát triển cụ thể trong lĩnh vực phát triển đô thị và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kỳ vọng xẽ tạo ra một bước chuyển biến lớn trong lĩnh vực đô thị Việt nam.

Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 20/01/2022 của Bộ Chính trị. Ngày 20/4/2022, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 89-CTr/TU. Qua đó, xác định yêu cầu: Bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; Các chiến lược quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia và thực tiễn, yêu cầu phát triển của tỉnh. Quá trình thực hiện phải xây dựng lộ trình phù hợp, triển khai đồng bộ và phải được kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

Tuyến phố đi bộ Hào Gia chắc chắn sẽ là điểm đến lý tưởng cho nhân dân trong các kỳ nghỉ lễ. Ảnh ITN

Với những thách thức phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Để xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội của vùng; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; phát huy năng lực cạnh tranh, tạo động lực theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Ngày 25/01/2021, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030 tại Quyết định số 116/QĐ-UBND.

Trong đó đã xác định quan điểm, mục tiêu phát triển đô thị tỉnh Yên Bái; xây dựng các chỉ tiêu chính về phát triển đô thị; xác định danh mục, lộ trình và kế hoạch nâng loại đô thị tỉnh Yên Bái; Chương trình ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025; nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn thực hiện; xác định các giải pháp để thực hiện chương trình phát triển đô thị:

1. Về thực trạng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái

- Năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 20,19%, toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại III (thành phố Yên Bái); 01 đô thị loại IV (thị xã Nghĩa Lộ) và 10 đô thị loại V với 7 thị trấn huyện lỵ (Yên Thế, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Cổ Phúc, Sơn Thịnh, Mậu A, Yên Bình); 03 thị trấn trực thuộc huyện (Nông trường Trần Phú Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn và Thác Bà, huyện Yên Bình).

- Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 26-28%, toàn tỉnh có 22 đô thị, cụ thể như sau:

+ 01 đô thị loại II là thành phố Yên Bái.

+ 01 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ.

+ 03 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A.

+ 17 đô thị loại V, bao gồm: 07 đô thị hiện hữu: Thị trấn Yên Thế, thị trấn Mù Cang Chải, thị trấn Trạm Tấu, thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Trần Phú và thị trấn Thác Bà; 10 đô thị phát triển mới, bao gồm: đô thị Hưng Khánh, đô thị An Thịnh, đô thị Khánh Hòa, đô thị Cảm Ân, đô thị Tú Lệ, đô thị Cát Thịnh, đô thị Báo Đáp, đô thị Cảm Nhân, đô thị An Bình (Trái Hút), đô thị Tân Thịnh.

- Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 28-30%, toàn tỉnh có 26 đô thị, cụ thể như sau:

+ 01 đô thị loại II là thành phố Yên Bái.

+ 01 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ.

+ 04 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A, thị trấn Yên Thế.

+ 20 đô thị loại V, bao gồm: 06 đô thị hiện hữu là thị trấn Mù Cang Chải, thị trấn Trạm Tấu, thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Trần Phú và thị trấn Thác Bà; 14 đô thị phát triển mới, bao gồm: đô thị Hưng Khánh, đô thị An Thịnh, đô thị Khánh Hòa, đô thị Cảm Ân, đô thị Tú Lệ, đô thị Cát Thịnh, đô thị Báo Đáp, đô thị Cảm Nhân, đô thị Tân Thịnh, đô thị An Bình (Trái Hút), đô thị Gia Hội, đô thị Vân Hội, đô thị Xuân Ái, đô thị Púng Luông.

Quy hoạch phát triển đô thị Yên Bái theo hướng xanh. Ảnh ITN

2. Phương hướng, lộ trình và kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Yên Bái:

a) Về hệ thống đô thị:

- Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình khoảng từ 26 - 28%, toàn tỉnh có 22 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Yên Bái); 01 đô thị loại III (thị xã Nghĩa Lộ); 03 đô thị loại IV (thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình và thị trấn Mậu A) và 17 đô thị loại V.

- Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình đạt khoảng từ 28 - 30%, toàn tỉnh có 26 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Yên Bái); 01 đô thị loại III (thị xã Nghĩa Lộ); 04 đô thị loại IV (thị trấn Cổ Phúc; thị trấn Yên Bình; thị trấn Mậu A; thị trấn Yên Thế) và 20 đô thị loại V.

b) Về quy hoạch đô thị: Triển khai thực hiện lập quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 gồm tổng số 41 đồ án; trong đó, 02 đồ án đã được phê duyệt năm 2021 và 39 đồ án chưa được phê duyệt, cụ thể như sau:

- Năm 2022: Hoàn thành, phê duyệt 31 đồ án quy hoạch.

- Giai đoạn 2023 - 2025: Hoàn thành, phê duyệt 08 đồ án quy hoạch.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Thực hiện rà soát, điều chỉnh, lập mới các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (quy hoạch vùng liên huyện; quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung đô thị; quy hoạch phân khu các xã, phường; quy hoạch chung xây dựng các xã định hướng lên đô thị) theo lộ trình giai đoạn quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị.

c) Về chất lượng đô thị:

*. Chất lượng đô thị đến năm 2025:

- Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2/người;

- Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 91%;

- Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước trên diện tích lưu vực thoát nước trong khu vực nội thị của các đô thị đạt từ 70% - 80%;

- Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt 10%;

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm đạt 90%

- Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 10%;

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt >93%;

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%;

- Tỷ lệ chiếu sáng: Các tuyến đường chính tại các đô thị đạt 80%; Ngõ, hẻm đạt 70%;

- Đất cây xanh sử dụng công cộng (không bao gồm cây xanh khu ở): Đối với đô thị loại II đạt 7m2/người; Đối với đô thị loại III và loại IV đạt 6m2/người; Đối với đô thị loại V đạt 5m2/người.

*. Chất lượng đô thị đến năm 2030:

- Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2/người;

- Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%;

- Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước trên diện tích lưu vực thoát nước trong khu vực nội thị của các đô thị đạt từ 80% - 90%;

- Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt 25%;

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm đạt 100%

- Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%;

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt >95%;

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%;

- Tỷ lệ chiếu sáng: Các tuyến đường chính tại các đô thị đạt 90%; Ngõ, hẻm đạt 75%;

- Đất cây xanh sử dụng công cộng (không bao gồm cây xanh khu ở): Đối với đô thị loại II đạt 8m2/người; Đối với đô thị loại III và loại IV đạt 7m2/người; Đối với đô thị loại V đạt 6m2/ người.

d. Tầm nhìn đến năm 2045

- Xây dựng hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

- Định hướng xây dựng và mục tiêu phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2045 như sau:

+ Thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại I.

+ Thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại II.

+ Các đô thị được định hướng phát triển thành thị xã trực thuộc tỉnh, gồm: Thị trấn Yên Bình và các xã phụ cận; thị trấn Cổ Phúc và các xã phụ cận; thị trấn Yên Thế và các xã phụ cận; thị trấn Mậu A và các xã phụ cận.

+ Các đô thị được định hướng xây dựng và nâng cấp lên đô thị loại IV, gồm các đô thị: thị trấn Mù Cang Chải; thị trấn Trạm Tấu; thị trấn Sơn Thịnh; thị trấn Nông trường Trần Phú; thị trấn Thác Bà; đô thị An Bình (Trái Hút).

+ Các đô thị dự kiến hình thành mới, gồm: Đô thị Tân Nguyên, Vũ Linh, Mỹ Gia, huyện Yên Bình; đô thị Tân Lĩnh, huyện Lục Yên; đô thị Lâm Giang, Nà Hẩu, Đại Phác, huyện Văn Yên; đô thị Việt Cường, huyện Trấn Yên; đô thị Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; đô thị Hồ Bốn, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải; đô thị Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Trung tâm Thành phố Yên Bái

Hiện nay, các đô thị đang gặp nhiều thách thức, như biến đổi khí hậu gây nên tình trạng ngập lụt, sạt lở đất và những yêu cầu về quản lý rác thải, nước thải, thoát nước… Do đó có thể thấy, nguyên nhân của biến đổi khí hậu chủ yếu do hoạt động phát triển của con người gây nên là chủ yếu, trong đó khu vực đô thị tập trung nhiều hoạt động nhất.

Phát triển kinh tế và đô thị hóa thường song hành với nhau, cùng với đó là việc phát thải khí nhà kính (nguyên nhân của biến đổi khí hậu) do hầu hết các hoạt động kinh tế tập trung tại khu vực đô thị. Mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng; phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí.

Để triển khai thực hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.

Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện, một số nội dung cần triển khai chủ yếu sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

2. Tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

3. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng.

4. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ.

5. Tập trung thu hút, lồng ghép các nguồn lực để phát triển đô thị bền vững.

6. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

7. Tăng cường các giải pháp thu hút dân cư đô thị (đô thị công nghiệp) và quản lý xã hội.

8. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

9. Xây dựng, hoàn thiện, đổi mới mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an toàn và trật tự đô thị.

3. Kiến nghị:

- Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ nguồn lực, kinh phí cho việc lập quy hoạch của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi nơi còn khó khăn về nguồn thu ngân sách để sớm triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch, phủ kín các quy hoạch phân khu, đô thị, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý, đầu tư và phát triển đô thị bền vững.

- Trung ương sớm lập, phê duyệt quy hoạch vùng và quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, điều tiết kinh phí để hỗ trợ cho các tỉnh miền núi đầu tư các công trình hạ tầng kết nối vùng, hạ tầng đô thị đang thiếu đồng bộ, đặc biệt hệ thống giao thông đô thị, cấp, thoát nước, xử lý chất thải, nước thải; hạ tầng thông tin. Tạo điều kiện cho các tỉnh được tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án của Trung ương về phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh ứng phó biến đổi khí hậu.

- Kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn về phương pháp xác định các tiêu chí về Đô thị sinh thái, thành phố sinh thái để triển khai thực hiện phù hợp với đặc trưng của vùng, miền; Có quy định thể chế rõ hơn để tiến tới xã hội hóa nguồn lực cho công tác lập quy hoạch xây dựng; Bù đắp nhu cầu về vốn đối với các địa phương còn khó khăn trong ngân sách…