Giao thông vận tải là một trong những ngành tiêu tốn nhiều nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, với mục tiêu tổng thể là phát triển hệ thống giao thông xanh. Đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện mạnh mẽ sự chuyển dịch theo hướng 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện.
Thừa Thiên Huế cho biết đang tích cực triển khai đề án Giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh. Ảnh: Tạp chí Công thương.
Thừa Thiên Huế là một trong những thành phố đi đầu tại Việt Nam trong xây dựng giao thông xanh, thân thiện với môi trường. Từ năm 2016, đô thị Huế đã được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) vinh danh là "thành phố xanh" đầu tiên của Việt Nam; năm 2020 đoạt giải thưởng là thành phố du lịch sạch ASEAN. Do đó, để thúc đẩy phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đồng chí Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh luôn mong muốn được học hỏi những mô hình giao thông sử dụng điện của các nước trên thế giới, những định hướng và mục tiêu của Chính phủ cũng như các mô hình thí điểm triển khai tại Việt Nam để có thể học tập và triển khai tại Thừa Thiên Huế.
Tại TP. Hồ Chí Minh đã triển khai dự án xe đạp công cộng đầu tiên trên cả nước vào cuối năm 2021. Xe đạp công cộng ra đời thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân, góp phần giảm người đi xe cá nhân. Về lâu dài, loại hình này tích hợp với mạng lưới xe buýt và giao thông công cộng sức chứa lớn tạo môi trường giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý. Đặc biệt, xe đạp công cộng là mô hình được quản lý bằng công nghệ, thiết bị hiện đại, được bố trí khu vực trung tâm tập trung nhiều điểm du lịch, văn hóa, lịch sử. Khi tiếp cận được với tuyến metro, buýt đường sông, buýt mui trần, xe buýt điện... hệ thống này còn phục vụ phát triển kinh tế, du lịch hiệu quả. Dự án đã nhận được nhiều kết quả khả quan.
Xe đạp điện dự kiến được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Thanh niên.
Tiếp nối thành công đó, tại TP Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng hệ thống xe đạp công cộng. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc triển khai dự án “xe đạp đô thị" tại thành phố Hà Nội là cần thiết. Dự án “xe đạp đô thị” sẽ triển khai với 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí. Xe đạp công cộng sẽ được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023.
Có thể nói, đẩy mạnh giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị. Mặc dù được nhận định mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường và phát triển giao thông hiện đại, tuy nhiên quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh vẫn còn những rào cản nhất định. Theo đó, đến nay người dùng có thói quen chỉ sử dụng ô tô điện để di chuyển gần, đi chơi, cà phê, dạo phố chứ không lựa chọn để đi đường trường. Nguyên nhân tới từ tâm lý e ngại về quãng đường di chuyển, pin sạc, thời gian sạc pin, điểm sạc pin không thuận tiện, chi phí thuê pin và các chi phí liên quan khác,... gây tốn kém chi phí.