Huyền My ·
1 năm trước
 2605

Phát triển nền nông nghiệp xanh- thân thiện với môi trường

Nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hướng đến nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững, nông nghiệp thân thiện với môi trường, mang lại chất lượng nông sản cao để đạt được giá bán cao góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với các thách thức toàn cầu để cung cấp đủ lương thực thực phẩm và nhiên liệu, đáp ứng các nhu cầu luôn thay đổi và ngày càng tăng trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn ra trên toàn thế giới.

Trong thời gian qua, tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.

Ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với các thách thức toàn cầu để cung cấp đủ lương thực thực phẩm và nhiên liệu. (Ảnh minh họa)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho hay, ngành nông nghiệp không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn đứng vào Top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mặt khác, trong bối cảnh khí hậu, thị trường đang thay đổi, cách lựa chọn của người tiêu dùng đang thay đổi, đòi hỏi phải thay đổi để tạo ra các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Bối cảnh mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ, và bền vững của môi trường toàn cầu.

Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường…; bảo đảm sự phát triển toàn diện trong mối tương tác với môi trường sinh thái. Cùng với việc tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên, ngành Nông nghiệp, các địa phương, cần triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học; chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh; đồng thời chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn theo hướng: Nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh…

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, cần huy động mọi nguồn lực từ tài chính đến tri thức công nghệ và đặc biệt là phát huy vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Thông qua hệ thống cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án, dẫn dắt ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; định hướng phát triển thị trường…, qua đó nâng cao trình độ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân. Mặt khác, qua các hoạt động liên kết, doanh nghiệp và người nông dân cùng nâng cao trách nhiệm với mỗi sản phẩm của chính mình cũng như với các vấn đề về môi trường, xã hội.

Đồng thời, để hình thành một nền nông nghiệp trách nhiệm, cốt yếu phải tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, được chuẩn hóa với quy trình canh tác chặt chẽ. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây có thể xem là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh, có trách nhiệm với người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Mặt khác là thúc đẩy chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch.

Để hướng tới tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp, ngành đã giảm dần việc lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp như nước, đất đai. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Mục tiêu tăng trưởng xanh

Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030:

- Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5-3%/năm.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha.

- Giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.

- Mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia.

- Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.