Thanh Tâm ·
1 năm trước
 2510

Phát triển và bảo vệ rừng ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu

Việc trồng rừng không chỉ là một trong những giải pháp giảm tác động biến đổi khí hậu, còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân ở các huyện ven biển, nơi có rừng phòng hộ.

Độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động

Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan và địa phương, đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, gia tăng chức năng phòng hộ (chắn gió, chắn sóng, chống xói lở) góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Khi môi trường đang ngày càng bị đe dọa, các thảm họa thiên tai xảy ra với cường độ dày hơn, chúng ta cần phải biết cách bảo tồn, phát triển rừng hơn nữa, trong đó cần chú ý các biện pháp bảo vệ đối với rừng phòng hộ.

Diện tích có rừng ngập mặn ở ĐBSCL đang suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ nguy cơ hủy hoại rừng. Tỷ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tác động của BĐKH làm cho mực nước biển dâng cao, hệ thống đê biển không thể chống chọi được, dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn, khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông nội địa dâng cao kết hợp gia tăng dòng chảy lũ làm ngập úng hoa màu, nhà cửa; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền. Từ đó, gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất; nước biển dâng và triều cường mạnh làm cho diện tích đất và rừng ngập mặn bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn ven biển.

Đồng thời, độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270 ha/năm, nhưng trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430 ha rừng. Bên cạnh đó, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11% và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.

Bảo vệ và phát triển tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách

Có thể nói, những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững. Thời gian qua, với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong cả nước về việc trồng cây gây rừng, diện tích rừng tuy có tăng, song về chất lượng rừng tự nhiên vẫn còn hạn chế. Do đó, yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài có sự định hướng của Chính phủ, và trên hết cần có sự đoàn kết, chung sức của người dân cả nước nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Môi trường ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí không chỉ ở địa bàn nông thôn, tại đô thị đang tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của con người cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các đô thị lớn khi mà quá trình đô thị hóa ở nước ta có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt.

Hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ ở mức từ 2-3 m2/người, trong khi đó, chỉ số tỉ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20-25 m2/người, theo Tổng cục Lâm nghiệp cho hay.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tỷ lệ cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.

Nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn hoa, công viên... Diện tích cây xanh, mặt nước đã không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống suy giảm.

Nhằm phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày 4/10/2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển. Tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển. Đồng thời khôi phục và phát triển rừng, cụ thể, trồng mới 20.000 ha rừng, gồm: 9800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021-2025, trồng mới 11.000 ha.

Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha, gồm: 6.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021-2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha.

Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc trưng vùng ven biển Việt Nam, là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa môi trường nước ngọt và môi trường biển. Rừng ngập mặn có tác dụng nhiều mặt như môi trường, xã hội và giá trị kinh tế, đặc biệt về phòng hộ đê biển, chống xói lở, cố định đất ven biển, ven sông, hạn chế gió bão, sóng biển, triều cường và góp phần điều hòa khí hậu. Nhiều nguồn lợi từ rừng ngập mặn gồm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thủy sản, nơi giải trí, du lịch sinh thái, thấm lọc sinh học, phòng hộ ven biển, đặc biệt bảo vệ đê biển, cố định đất, tích tụ C và hấp thụ CO2.Tuy nhiên những năm gần đây, dưới sự tác động tiêu cực từ tự nhiên và con người đã khiến diện tích rừng ngập mặn suy giảm cả về diện tích cũng như chất lượng.