Trần Chung ·
2 năm trước
 1754

Phiên chợ đặc biệt 'đổi phế liệu lấy thực phẩm' giúp người dân có thói quen sống 'xanh' hơn

Từ ngày có những gian hàng "đổi phế liệu lấy thực phẩm", nhiều người dân trên địa bàn quận Đống Đa đã có thói quen phân loại rác thải, loại nào có thể để lại làm phế liệu, loại nào bỏ đi,... từ đó có thói quen sống "xanh" hơn. 

Hệ thống cửa hàng "Đổi phế liệu lấy thực phẩm" là ý tưởng xuất phát từ một công ty trên địa bàn phường Văn Miếu (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Những gian hàng đặc biệt này xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô thu hút sự chú ý của không ít người dân.

Đổi phế liệu lấy thực phẩm

Mô hình đổi rác lấy thực phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người

Những gian hàng này được xây dựng nhằm mục đích tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời chia sẻ những khó khăn với người dân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới tất cả mọi người.

Cửa hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm đã dựng kệ hàng hóa khoảng 17 m2, có đầy đủ rau, củ, quả, nông sản tươi sống... Tất cả người dân khi mang phế liệu đến đây sẽ được quy đổi thành tiền, cửa hàng sẽ trả bằng sản phẩm nông sản.

Đổi phế liệu lấy thực phẩm

Đổi phế liệu lấy thực phẩm

Phế liệu, rác sau khi cân sẽ được quy đổi thành phiếu mua hàng

Bảng giá cho mỗi loại phế liệu cũng như nông sản đều được niêm yết công khai theo đúng quy định. Ngoài ra nếu không đem theo phế liệu để đổi thực phẩm, người dân vẫn có thể mua đồ tại những gian hàng này theo bảng giá niêm yết. 

Đổi phế liệu lấy thực phẩm

Khách hàng đến phiên chợ phải tuân thủ quy định phòng dịch (Ảnh: Hoài Trang)

"Ngay từ khi triển khai các gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm, chúng tôi nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của bà con. Có nhiều trường hợp cảm động làm tôi nhớ mãi. Như chị lao công, anh xe ôm, những người lao động tự do, do dịch bệnh khó khăn nên nhặt nhạnh được gì là họ mang ra đổi lấy thực phẩm đem về. Với các cụ già, em nhỏ, mình còn khuyến mại thêm cho họ"- ông Trần Ngọc Tuấn, quản lý cửa hàng chia sẻ.

Mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 – 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến 200 kg. Công ty dự kiến thời gian tới sẽ triển khai thêm mô hình đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc.

"Tôi thấy hoạt động này rất hữu ích, vừa có thể gom và phân loại rác để bảo vệ môi trường vừa đổi được các mặt hàng thiết thực trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ai cũng có thể dùng được.

Hơn nữa, mô hình phiên chợ đổi phế liệu giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần mang đến không gian sống xanh - sạch - đẹp cho mọi người", bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, Văn Miếu, Hà Nội) cho hay.

Từ ngày có những gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm này, nhiều người dân trên địa bàn quận Đống Đa đã có thói quen phân loại rác thải, loại nào có thể để lại làm phế liệu, loại nào bỏ đi,... từ đó có thói quen sống "xanh" hơn. 

Đổi phế liệu lấy thực phẩm

Đủ loại rau, củ, quả… được bày bán và tiêu thụ trong 1 ngày, không để thừa sang ngày hôm sau

Chương trình "đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch" được triển khai từ ngày 22/9 với 20 điểm tại Hà Nội. Tất cả phế liệu sau khi được thu gom, phân loại sẽ được vận chuyển đi tái chế.

Mô hình "đổi rác lấy nông sản" không chỉ lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường mà còn chung tay giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới doanh nghiệp cũng sẽ triển khai các hoạt động ý nghĩa khác như đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc", ông Tuấn thông tin.