Khánh An ·
3 năm trước
 2748

Phú Quốc cho phép tách thửa trở lại đối với đất nông nghiệp từ 26/8/2021: Liệu có xảy ra tình trạng sốt đất?

Phú Quốc cho phép tách thửa trở lại sau hơn 2 năm tỉnh Kiên Giang có văn bản tạm ngưng đối với đất nông nghiệp. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu có xảy ra tình trạng sốt đất?

UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 16, ngày 16/7/2019 về quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, Phú Quốc được tách thửa đất nông nghiệp sau hơn 2 năm tỉnh Kiên Giang có văn bản tạm ngưng để chấn chỉnh tình trạng phân lô tràn lan trên thành phố. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/8 và thay thế Quyết định số 16 ngày 16/7/2019 trước đó.

Phú Quốc cho phép phân lô bán nền

UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quy định mới về diện tích tối thiểu tách thửa các loại đất. Ảnh minh họa

Loại đất được tách thửa, hợp thửa sẽ được xác định theo mục đích sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận).

Điều kiện để được tách thửa đất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định như thửa đất không có tranh chấp, trừ trường hợp thửa đất có một phần diện tích có tranh chấp thì được tách thửa đối với phần diện tích không tranh chấp nhưng phần diện tích còn (bao gồm cả diện tích tranh chấp và không tranh chấp) phải đảm bảo diện tích tối thiểu tách thửa theo Quyết định này; quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất.

Diện tích thửa đất tách thửa chưa có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thầm quyền theo quy định của pháp luật đất đai. Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải đảm bảo điều kiện và diện tích tối thiểu được tách thửa tương ứng của từng loại đất tại Quyết định này.

Cụ thể, đối với đất ở, diện tích tối thiểu được tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất ở tại nông thôn là 54m2, đối với đất ở tại đô thị là 36m2, diện tích này không bao gồm diện tích hành lang an toàn giao thông, đường thuỷ, đê điều (nếu có).

Ngoài ra, nếu thửa đất tiếp giáp với đường giao thông, đường thủy, đê điều thì chiều rộng mặt tiền thửa đất và chiều dài các cạnh tiếp giáp cạnh mặt tiền của thửa đất không được nhỏ hơn 4m. Nếu thửa đất không tiếp giáp với đường giao thông, đường thủy, đê điều thì chiều rộng và chiều dài của thửa đất không được nhỏ hơn 4m.

Trong trường hợp tách thửa trong các dự án khu dân cư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 thì diện tích tách thửa thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.

Phú Quốc cho phép tách thửa đất nông nghiệp

Một góc TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nhìn từ trên cao

Theo Quy định mới này, đối với đất phi nông nghiệp (trừ đất ở), diện tích tối thiểu được tách thửa sẽ được chia làm hai loại.

Thứ nhất, đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất phi nông nghiệp (trừ đất ở) phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt và phải đảm bảo không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở quy định tại Điều 4 của Quyết định này.

Thứ hai, đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì diện tích tối thiểu được tách thửa là 500m2 đối với đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm. Các loại đất phi nông nghiệp (trừ đất ở) còn lại, bao gồm cả đất thương mại, dịch vụ là 300 m2.

Đối với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng được quy định cụ thể. Theo đó, trường hợp là đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác) ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là 600m2. Các huyện còn lại là 1.000m2. Ở Khu vực nông thôn (xã) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là 1.000m2. Các huyện còn lại là 2.000m2.

Trường hợp là đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc được 300 m2. Các huyện còn lại là 500m2. Ở khu vực nông thôn (xã) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là 500m2. Các huyện còn lại là 1.000m2. Đối với đất nuôi trồng thủy sản thì ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) là 1.000m2. Các khu vực nông thôn (xã) là 2.000m2.

Vậy, câu hỏi đặt ra là Phú Quốc liệu có xảy ra tình trạng "sốt" đất? Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đặng Đức Giới - Giám đốc CTCP Bất động sản Đặc Khu (DKLand) - doanh nghiệp địa ốc tại Phú Quốc cho biết, mặc dù đã từng chứng kiến cảnh tái phân lô bán nền tràn lan sau khi "nới" diện tích tối thiếu tách thửa đất nông nghiệp, song lần "mở cửa" trở lại này khó xảy ra một đợt sốt đất tương tự.

Theo ông Giới, thị trường đất nền Phú Quốc đã trầm lắng trong gần 3 năm qua kể từ sau khi Quốc hội tạm dừng thông qua Luật Đặc khu năm 2018 và bởi các chính sách siết phân lô tách thửa của tỉnh Kiên Giang. Hiện tại, thị trường này đã có những dấu hiệu "bội thực" vì nguồn cung quá nhiều mà nhu cầu thực lại quá ít. Bên cạnh đó, với các khu vực phân lô tự phát không bảo đảm quy hoạch hạ tầng, vấn đề phát triển trong tương lai hầu như không có khiến khách hàng đang dần quay lưng.

"Vấn đề đặt ra hiện nay là công tác quản lý Nhà nước phải làm sao đảm bảo giá trị thực của bất động sản, từ đấy giúp người dân có cơ hội sở hữu một lô đất với giá hợp lý" - ông Giới cho biết.

Chia sẻ thêm về thị trường bất động sản Phú Quốc, ông Giới cho biết, ở thị trường này loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đang được ưu ái hơn dù giá cao hơn rất nhiều so với đất nền.