Hà Nam - Xuân Hoà ·
3 năm trước
 4634

Phú Thọ: 'Cát tặc' hoành hành, sông Lô dậy sóng

Hơn chục năm qua, sông Lô đoạn chạy qua địa phận tỉnh Phú Thọ luôn trong tình trạng “bất ổn” bởi nạn khai thác cát. Đê nứt, hàng trăm ha đất bãi bị sạt lở, ô nhiễm môi trường, nhiều công trình bị dòng nước cuốn trôi..., đó là những hệ lụy nhãn tiền.

Sông Lô là phụ lưu cấp 1 ở tả ngạn của sông Hồng, chảy qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Đây là 1 trong 5 con sông dài nhất ở miền Bắc.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, đoạn dài 156 km từ ngã ba Bạch Hạc đến cảng Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang được đánh giá có trữ lượng cát xây dựng dồi dào, trong khi đó tốc độ nước chảy vừa phải thuận lợi cho các loại tàu thuyền có tải trọng 100 đến 150 tấn vận tải có thể hoạt động được cả hai mùa.

Hàng trăm phương tiện khai thác vận chuyển cát của các doanh nghiệp đang tập trung tại cảng Đoan Hùng.

Từ thực tế đó, hơn chục năm qua, sông Lô trở thành mảnh đất “vàng” cho các doanh nghiệp khai thác cát được cơ quan chức năng cấp phép mà còn luôn bị các đối tượng “cát tặc” dòm ngó. Đáng báo động hơn, sông Lô đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn trong tình trạng “bất ổn” bởi nạn khai thác cát. Đê nứt, hàng trăm héc ta đất bãi bị sạt lở, cùng nhiều công trình có thể bị dòng nước cuốn trôi bất cứ lúc nào…

Theo số liệu mà Phóng viên có được trên tuyến sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện cơ quan chức năng cấp phép cho 7 doanh nghiệp khai thác cát sỏi, 3 doanh nghiệp thăm dò. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh theo quyết định mà các cơ quan chức năng cấp phép. Nhiều đơn vị lợi dụng khai thác vượt ranh giới, độ sâu, trữ lượng...

Suốt hơn chục năm qua, sông Lô chưa yên vì nạn khai thác cát diễn ra phức tạp.

Có mặt tại địa bàn xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), chúng tôi thấy hàng chục tàu cẩu dây văng và gầu quăng đang khai thác cách bờ đê chưa đầy chục mét. Thậm chí, nhiều tàu cuốc còn vào tận sát chân bãi bồi để hút cát. Tại đây xuất hiện hàng chục vết nứt sâu 5 – 10 m, kéo dài hàng chục mét. Ngoài việc khai thác quá gần bờ, không đảm bảo khoảng cách thì doanh nghiệp này còn không thực hiện cắm mốc, biển báo, neo phao theo quy định. Theo thông tin Phóng viên nắm được thì số tàu nói trên của Công ty Tự Lập.

Cách đó không xa là hai chiếc tàu cuốc, tàu cẩu dây văng đang hoạt động hết công suất. Cả hai chiếc tàu này đều khai thác cách đất bãi của người dân xã Bình Bộ chưa đầy chục mét. Ngay sát đầu tầu cuốc hàng trăm mét đất bãi của người dân đã trôi theo dòng nước. Theo phản ánh của người dân, hai tàu này của Công ty Phương Hướng. 

Tàu hút của Công ty Tự Lập vào sát chân bãi bồi trên địa bàn xã Bình Bộ khai thác cát khiến hàng nghìn mét đất bãi của người dân trôi theo dòng nước. 

Để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lô đoạn qua địa bàn, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên, nhưng sau mỗi đợt ra quân thì đâu lại vào đấy.

Thậm chí, đến tháng 3/2020 UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 1116/UBND-KTN về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô địa bàn tỉnh Phú Thọ. Việc tạm dừng để kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, khai thác ngoài phạm vi cấp phép và hiện tượng sạt lở bờ vỏ, đất bãi bồi ven sông.

Đến ngày 28/12/2020, sau gần một năm tạm dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô thì UBND tỉnh Phú Thọ mới ra quyết định số 5826/UBND-KTN về việc cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô, sông Chảy thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ theo giấy phép đã được cấp.

Cách đó không xa, tàu khai thác cát của Công ty Phương Hướng cắm sát chân bãi bồi.

Theo đó, UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý cho phép các doanh nghiệp (đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô, sông Chảy thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ) tiếp tục hoạt động khai thác theo quy định của giấy phép.

Đồng thời, giao Sở TN&MT tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của các doanh nghiệp trước khi tiến hành khai thác, trong hoạt động khai thác; chủ trì phối hợp với UBND các huyện liên quan tổ chức triển khai xác định các khu vực cần bảo vệ. Yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải có cam kết bảo vệ các khu vực trên bằng văn bản trước khi khai thác.

Giao Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm soát đảm bảo toàn bộ hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô, sông Chảy đúng theo các quy định. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác sai phép, khai thác ngoài chỉ giới được cấp phép mà không phát hiện, không xử lý theo đúng quy định, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Phú Thọ.

Trên sông Lô còn có hàng chục điểm khai thác cát trái quy định.

Ngoài ra, UBND TP.Việt Trì, UBND huyện Phù Ninh, UBND huyện Đoan Hùng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã, phường và các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác cát, sỏi của doanh nghiệp được cấp phép và kiểm tra xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, tiếp tục tuyên truyền vận động người dân ổn định sản xuất, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản. Thời gian khai thác từ 7h đến 17h, không khai thác vào ban đêm.

Quy định đã rõ, nhưng do lợi nhuận từ việc khai thác cát quá lớn nhất là giá cát phục vụ xây dựng, san lấp đang tăng từng ngày trong thời gian qua khiến tình trạng khai thác cát trên sông Lô ngày càng phức tạp. Theo ghi nhận của Phóng viên thì trên địa bàn các xã thuộc các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, có hàng chục điểm khai thác cát trái quy định đang hoạt động hết công suất để lại nhiều hậu quả không lường khiến nhà cửa, công trình, hàng trăm héc ta đất bãi, đê điều, mồ mả có thể trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào.

Nguồn