Thanh Tùng ·
1 năm trước
 4053

Phú Yên: Có biển cấm vẫn vô tư khai thác khoáng sản

Dù cơ quan chức năng tỉnh Phú yên đã cắm biển cảnh báo đối với khu vực không được phép khai thác khoáng sản nhưng hàng nghìn m3 đá vẫn bị lấy đi mà chưa rõ nguyên nhân.

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua tại khu vực giáp ranh giữa phường Hòa Xuân Đông và Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên xuất hiện công trường khai thác đá nguyên khối trái phép. Việc khai thác đá tại đây diễn ra nhiều ngày. Từng khối đá lớn được chẻ ra thành viên nhỏ để thuận tiện cho việc vận chuyển.

Hàng ngày, có hàng chục công nhân khai thác đá ở nhiều địa điểm khác nhau. Sau đó dùng phương tiện xe cơ giới để chuyển đá khai thác được đi nơi khác. Theo thông tin từ người dân trên địa bàn, hàng ngàn khối đá đã được mang đi tiêu thụ và không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Liên quan tới việc khai thác đá tại khu vực giáp ranh giữa phường Hòa Xuân Đông và Hòa Xuân Tây, ngày  1/8, trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường,  Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân Đông nói: “Thông tin phản ánh của người dân phường chúng tôi đã nhận được. Hai ngày cuối tháng 7/2022 chúng tôi đã cho kiểm tra. Sáng nay phường phối hợp với thị xã Đông Hòa tiếp tục đi thực địa, chiều họp tại thị xã để bàn phương án tiếp theo”.

 Khu vực có biển cấm nhưng khoáng sản vẫn có dấu hiệu bị khai thác trái phép ở Phú Yên (Ảnh: NĐT).

Ông Nguyễn Văn Hiền – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đông Hòa cũng thông tin, trong sáng ngày 1/8 lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hiện trường và đang họp để đưa ra hướng xử lý cho vụ việc.

Được biết, UBND tỉnh Phú Yên đã có chỉ đạo, yêu cầu UBND thị xã Đông Hòa kiểm tra và xử lý. Ông Nguyễn Văn Tĩnh – Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa cho biết: “UBND thị xã đã chỉ đạo địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác. Hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ một số phương tiện khai thác, vận chuyển để tiếp tục điều tra làm rõ.

Khi được hỏi về khu vực đang tổ chức khai thác trái phép là do đơn vị nào thực hiện, ông Tĩnh trả lời: “Bước đầu, xác định hoạt động khai thác đá tại khu vực xã Hòa Xuân Đông và phường Hòa Xuân Tây là do bà con khai thác manh mún, cá nhân thực hiện, còn đằng sau thì cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra”.

Bên cạnh đó, ông Tĩnh cũng thông tin thêm: “Khu vực báo chí phản ánh có tình trạng khai thác đá là vị trí chưa được cấp phép khai thác khoáng sản, UBND các xã, phường cũng đã cắm biển cấm, biển cảnh báo. Đồng thời, trước đây cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý, giờ tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Khu vực khai thác đá có dấu hiệu trái phép trên địa bàn thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên (Ảnh: NĐT).

Đối với việc khai thác khoáng sản trái phép, tinh thần địa phương chỉ đạo quyết liệt và xử lý theo đúng quy định của pháp luật để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Về giải pháp, trong thời gian tới, địa phương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm (khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép); kiên quyết tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật; phá dỡ những đoạn đường cá nhân tự mở phục vụ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản;…”.

Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau từng chia sẻ, công tác quản lý nhà nước của chúng ta có nơi có lúc còn chưa đủ lớn, không chặt chẽ, lỏng lẻo, ở đâu đó vẫn có những hạn chế, tiêu cực như tôi nói dẫn đến việc khai thác khoáng sản trái phép thời gian qua vẫn còn nóng.

Đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong câu chuyện chảy máu khoáng sản, Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang cho rằng, cần phải làm rõ vai trò quản lý của chính quyền địa phương, đứng đầu là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở để thực hiện đồng bộ và thực hiện nghiêm. Có như vậy, mới mong giảm thiểu và thực sự chấm dứt tình trạng này.

Đại biểu Giang đề nghị cần tăng xử lý vi phạm, thậm chí là đến mức phải xử lý hình sự, phải mạnh dạn và tăng cường kiểm tra các địa phương; Có một cuộc tổng kiểm tra về các hạn ngạch và cấp phép cho các loại hình khai thác này; Yêu cầu các địa phương phải nhìn nhận được việc khai thác đó sẽ làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn tài nguyên.

Về vấn đề phối hợp liên tỉnh, các tỉnh với nhau, việc khai thác này cũng cần phải tính tới, có địa phương có nguồn lợi đó nhưng khi sai phạm bắt giữ ở tính đó thì họ lại chạy sang tỉnh khác. Và vô hình chung việc đó không có đồng bộ, không có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước, làm cho quản lý của chúng ta yếu đi.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, việc khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cụ thể không kiểm soát được phương án cải tạo phục hồi môi trường, mất an toàn vệ sinh lao động và gây thất thu ngân sách nhà nước.

Qua các hoạt động giám sát, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường đã chỉ ra một loạt bất cập như một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp, chưa thống nhất đồng bộ với pháp luật hiên hành về đầu tư, về đấu giá tài sản, về đất đai môi trường.

Nguồn: kinh tế Môi trường