Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng mạnh
Dựa vào Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) trong 6 tháng đầu năm có thu nhập lãi thuần đạt mức 1.097,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 3%.
Được biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm, nhiều mảng hoạt động kinh doanh của PVcomBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh. Trong đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 327,6% (lên đến 161,7 tỷ đồng), lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 128,6% (lên mức 363,6 tỷ đồng), lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 5,3% (đạt 197 tỷ đồng).
Ngược lại, PVcomBank ghi nhận lỗ hơn 51,6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (cùng kỳ năm trước lỗ gần 15,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần giảm tới 75,3% (xuống còn 6,5 tỷ đồng).
Lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 396 tỷ đồng tăng 114%. Tuy nhiên, do nợ xấu tăng mạnh PVcomBank phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên 334,7 tỷ đồng. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm thuế của ngân hàng lên tới 17,5 tỷ đồng (cao gấp 3 lần cùng kỳ) nên lợi nhuận sau thuế còn lại chỉ đạt 43,3 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái giảm hơn 18%.
Tổng tài sản của PVcomBank đạt 196.473 tỷ đồng khi kết thúc quý 2/2022, so với hồi đầu năm tăng 2,4%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,5% đạt 94.495,7 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 155.550 tỷ đồng, tăng 4%.
Điều đáng nói, chất lượng cho vay khách hàng của PVcomBank đang có dấu hiệu suy giảm khi tính đến ngày 30/09/2022 tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng là hơn 3.031 tỷ đồng, so với đầu năm cao gấp 2,1 lần. Đáng chú ý là Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn cao tăng 38,2% lên mức 2.144,4 tỷ đồng (chiếm 70,7% tổng nợ xấu của PVcomBank). Từ đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PVcomBank tăng từ 1,6% (hồi đầu năm) lên 3,21%.
Không chỉ dừng lại ở khoản hơn 3.031 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, PVcomBank cũng đang sở hữu khoản nợ xấu hơn 7.500 tỷ đồng tại Công ty TNHH TMV Quản Lý Tài Sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Ảnh minh họa
Dòng tiền đổ vào trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tăng cao
Trước tình hình tăng trưởng của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đặc biệt là TPDN bất động sản đang rất “nóng”. Ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước thông báo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại về đầu tư TPDN, trong đó có PVcomBank. Dù nằm trong diện thanh tra nhưng dòng tiền chảy vào kênh đầu tư TPDN của PVcomBank ở mức “khủng”.
Theo BCTC, PVcomBank đầu tư vào chứng khoán nợ hơn 5.576,5 tỷ đồng cho các tổ chức kinh tế và tổ chức tín dụng chưa phát hành trong nước (tính đến ngày 30/6/2022). Có thể thấy, dòng vốn vào trái phiếu tại PVcomBank chiếm tới 62% vốn chủ sở hữu của ngân hàng và chiếm 2,8% tổng tài sản của ngân hàng này.
Đông thời, PVcombank là cũng một trong những ngân hàng đổ khá nhiều vốn vào bất động sản. Dư nợ của Pvcombank vào hoạt động kinh doanh bất động sản tại thời điểm cuối quý 2/2022 đạt gần 9.779 tỷ đồng, chiếm 10,3% dư nợ cho vay của ngân hàng này. Trên thực tế, có thể dòng vốn chảy vào bất động sản còn nhiều hơn con số này do tiền vào bất động sản có thể thông qua kênh “vay tiêu dùng”.
Vào ngày 30/9/2022, theo BCTC hợp nhất quý 3/2022 của Công ty CP Tập Đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand Group; HOSE; NVL), PVcomBank đã dành tới 3.175 tỷ đồng (chiếm tới 35,2% vốn chủ sở hữu ngân hàng) để mua trái phiếu của NovaLand Group.
Ở trái phiếu ngắn hạn, PVcombank – Chi nhánh Sài Gòn đã mua 3 gói trị giá 650 tỷ đồng, 450 tỷ đồng và 175 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 11,75% tới 12,5%/năm. Cổ phần của công ty thuộc sở hữu của các cổ đông là tài sản đảm bảo.
Ở trái phiếu dài hạn, PVcomBank – Chi nhánh Sài Gòn có các gói 650 tỷ đồng, 250 tỷ đồng, PVcomBank – Chi nhánh TP.HCM rót 1.000 tỷ đồng vào trái phiếu Novaland Group.
Từ đó, các ngân hàng cần theo dõi nợ chặt chẽ. Cần lập sổ con để bám sát các khách hàng có nguy cơ không trả được nợ. Đi kèm với đó là các biện pháp tức thời như trích lập đầy đủ, càng nhiều càng tốt ngay cả khi chưa chuyển nhóm nợ.