Tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ dẫn đến không bảo toàn được vốn tại PVOil Phú Thọ đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra khi kiểm toán niên độ tài chính 2019 của PVOil.
Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2019 của 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và tổng công ty và chỉ ra nhiều lổ hổng quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, dẫn đến thiếu hiệu quả, thua lỗ, âm vốn...
Hàng loạt sai phạm quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại 17 tập đoàn, tổng công ty được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ
17 tập đoàn và tổng công ty này gồm Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower); Công ty cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ (PTSC); Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans); Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC); Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL); Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC); Tổng công ty Cơ Khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco); Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn.
Trong đó, PVOil Phú Thọ được chỉ ra là một trong những doanh nghiệp chưa thực hiện ban hành quy chế quản lý tiền và trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn. Vấn đề đáng lo ngại là sức khỏe tài chính của PVOil Phú Thọ vẫn đang suy yếu, lỗ lũy kế tăng mạnh, vốn chủ sở hữu bị xói mòn.
PVOil Phú Thọ được chỉ ra là một trong những doanh nghiệp chưa thực hiện ban hành quy chế quản lý tiền và trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn (Hình ảnh minh họa)
Vào năm 2020, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện có tình trạng sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong cùng tổng công ty; quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn như tại PVOIL, trong đó có PVOil Phú Thọ.
Cụ thể, PVOil Phú Thọ là công ty con của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), có vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Kết thúc năm 2020, lỗ lũy kế của PVOil Phú Thọ đã ở mức hơn 36,5 tỉ đồng, cao gấp hơn 3 lần con số âm 11,42 tỉ đồng năm 2019. Tình trạng lỗ chồng lỗ dẫn đến vốn chủ sở hữu bị ăn mòn ngày càng trầm trọn.
Theo dữ liệu của Lao Động, tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của PVOil Phú Thọ ghi nhận 183,82 tỉ đồng - giảm gần 18% so với đầu năm (223,98 tỉ đồng), chủ yếu do hàng tồn kho giảm mạnh từ 49,77 tỉ đồng xuống 17,48 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả của PVOil Phú Thọ ở mức 168,57 tỉ đồng - chiếm 91,7% tổng nguồn vốn. Đáng lưu ý, vốn chủ sở hữu của PVOil Phú Thọ đã giảm tới 61,2% so với đầu năm 2020 (40,34 tỉ đồng) và chỉ chiếm hơn 8% tổng nguồn vốn của Công ty.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2020, doanh thu của PVOil Phú Thọ giảm tới gần 41% so với năm trước, đạt 552,74 tỉ đồng (2019 đạt 936,42 tỉ đồng). Tuy nhiên, giá vốn bán hàng chiếm gần hết doanh thu nên lợi nhuận gộp của Công ty chỉ đạt 4,78 tỉ đồng - giảm 78,58% so với năm 2019.
Trong khi doanh thu và lợi nhuận gộp giảm mạnh thì các chi phí tài chính và chi phí bán hàng của PVOil Phú Thọ lại tăng so với năm 2019, lần lượt là 4,07 tỉ đồng và 18,79 tỉ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ từ 8,15 tỉ đồng xuống 7,5 tỉ đồng.
Tại Hà Nội, PVOil Phú Thọ là chủ đầu tư Dự án tòa nhà văn phòng 148 Hoàng Quốc Việt. Được biết, tòa nhà 148 Hoàng Quốc Việt được xây dựng trên diện tích xây dựng 1.088m2, chiếm 47,6% tổng diện tích đất của dự án là 2.285m2, gồm 18 tầng nổi và 2 tầng hầm. Tòa nhà này được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014.
Tuy nhiên, dự án này cùng Dự án Đầu tư xây dựng kho trung chuyển xăng dầu Hòa Bình hợp tác với Công ty mẹ (PVOil) cũng tồn tại nhiều sai phạm, theo Kiểm toán Nhà nước.
Vậy, với những tồn tại tại PVOil Phú Thọ cũng như rất nhiều doanh nghiệp nhà nước khác đang phải đối diện với tình trạng lỗ lũy kế kéo dài, thì bài toán bảo toàn vốn chủ sở hữu đặt ra là gì?