Biến quần áo thành những viên gạch
Ý tưởng này do Clarisse Merlet – một sinh viên kiến trúc nảy ra khi chứng kiến những con số khổng lồ mà ngành may mặc thải ra môi trường hằng năm. Từ đó, Fabbrick - Công ty phát triển những viên gạch trang trí từ quần áo cũ ra đời.
Theo Doanh nghiệp và Đầu tư, mỗi viên gạch được tạo nên từ 2 -3 chiếc áo phông cũ. Ngoài bông thì polyester, elastane, PVC có thể được sử dụng trong quá trình này với một loại keo thân thiện với môi trường do Merlet tự phát triển. Những mảnh vụn này trước tiên được trộn, sau đó ép thành khuôn gạch và không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người trong quá trình này, khuôn sử dụng lực nén cơ học để tạo thành các viên gạch. Những viên gạch ướt này được lấy ra khỏi khuôn và để khô trong hai tuần trước khi có thể sử dụng như những viên gạch thông thường.
Loại gạch này có khả năng cách âm tốt, có thể được sử dụng để xây các vách ngăn, tường hoặc làm đồ trang trí, thậm chí có thể làm đồ nội thất như chân đèn, bàn, ghế với kiểu dáng lạ mắt. Ngoài ra, chúng có khả năng chống ẩm và phản ứng tốt với lửa. Kể từ ngày thành lập năm 2018, công ty này đã thiết kế được hơn 40.000 viên gạch tương ứng với việc tái chế được 12.000 tấn vải. Điểm khác biệt là Fabbrick có thể cá nhân hóa màu gạch và tường nhà bạn với loại quần áo mà bạn đem đến để tái chế.
Đi xa hơn, Merlet đang tìm cách sản xuất gạch làm từ rác thải khẩu trang y tế để nhằm giúp giải quyết chất thải liên quan đến đại dịch Covid-19. Ý tưởng của cô là loại gạch này dành để lắp ráp thành một số món đồ nội thất dành cho những người yêu thích đồ tái chế và quan tâm đến lối sống bền vững.
Cũng như Clarisse Merlet, mới đây, một Giáo sư và nhóm sinh viên của trường Đại học New South Wales (Australia) đã tái chế những chiếc quần áo dư thừa, bị lỗi hoặc quá cũ không sử dụng thành một loại vật liệu xây dựng vô cùng hữu ích, có thể chống thấm nước và chống cháy, có thể sử dụng làm tấm lát sàn, ốp tường và dùng làm vật liệu trang trí nội thất vì màu sắc giống với gỗ, đá và gốm.
Theo An ninh Thủ đô, loại vật liệu xây dựng mới này được tạo ra bằng cách thu thập các loại quần áo cũ từ các thùng rác hoặc các sản phẩm bị lỗi từ các công ty sản xuất thời trang, sau đó loại bỏ những vật cứng có trên quần áo như dây lưng, khóa, cúc và khóa kéo…
Từ những hỗn hợp sợi bông, polyester, nilon và các loại vải khác sẽ được xử lý cắt bằng một máy cắt hạt mịn. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xử lý nhiệt bằng hóa chất để giúp cho các thành phần chất xơ có trong hỗn hợp trên có thể kết dính với nhau hơn nữa.
Tiếp theo đó, các sợi vải này được ép lại với nhau bằng nhiệt độ thích hợp để tạo ra các tấm ván ô, có thể được sử dụng làm sàn nhà hoặc xây tường. Các ván ô này được chứng minh là có độ bền cao, chịu lực tốt, chống thấm nước, chống cháy. Tuy nhiên, các đặc tính này có thể được tinh chỉnh dựa trên sợi vải được sử dụng để làm ra nó.
Ảnh: Veena Sahajwalla/ Đại học New South Wales
“Nếu cần thiết chúng ta có thể biến những chiếc quần áo cũ thành những vật liệu chúng ta mong muốn như gỗ, gốm sứ, hoặc đá… thì chúng ta cần đưa thêm các phụ gia khác vào hỗn hợp để phù hợp với tính năng của sản phẩm tái chế. Sản phẩm không chỉ có tính năng bền, chịu lực có thể làm tấm lát sàn hoặc xây tường mà còn tạo ra những vật liệu khác có tính năng cách âm, cách nhiệt…”, Giáo sư Sahajwalla cho biết.
Trước đó, Công ty Tái chế Jeplan (Nhật Bản) cũng chiết xuất sợi cotton từ quần áo cũ đã qua sử dụng để biến chúng thành nhiên liệu ethanol. Theo Jeplan, cứ 1 tấn quần áo cũ có thể cho ra khoảng 700 lít ethanol, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, đất mà có thể được sử dụng để trồng trọt, chế biến thực phẩm.
Biến gạch men cũ thành quần áo độc đáo
Nghệ sĩ người Ukraine - Zhanna Kadyrova đã kết hợp giữa thời trang và kiến trúc để tạo ra những kiểu váy dáng chữ A, một bộ suit, quần shorts hay thậm chí kiểu áo khoác giữ ấm cho mùa đông được làm từ những mẫu gạch men cũ mà cô thu thập được trong nhà máy, khách sạn hay khu nhà bị bỏ hoang.
Theo Zing, các tác phẩm của Zhanna được trưng bày tại buổi triển lãm Venice Art Biennale tại Italy, bên cạnh nhiều nhà mốt danh tiếng và nghệ sĩ tên tuổi như Virgil Abloh, Maarten Baas, Campana Brothers và nhà thiết kế Pháp Mathieu Lehanneur...
Theo chia sẻ, mục đích của cô khi tạo nên những tác phẩm nghệ thuật này chính là muốn truyền tải đến người xem thông điệp về câu chuyện ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên hay vật liệu xung quanh cuộc sống.