Thành Phong ·
45 tuần trước
 8874

Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường ngày hôm nay (21/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này; khẳng định hàng triệu ý kiến là hàng triệu niềm tin người dân gửi gắm tới Quốc hội, Chính phủ, kỳ vọng Luật Đất đai sau sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai thời gian qua.

Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 21/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khẳng định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng dự thảo Luật được nâng lên nhiều so với dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh: Luật Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nên đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cử tri. Cơ quan soạn thảo đã rất nỗ lực để tiếp thu đến 12.000.000 lượt ý kiến và bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW để hoàn thiện dự thảo Luật.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các phương pháp xác định giá đất; phát triển quỹ đất.. vào trong Dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể hiện nhiều điểm mới, làm rõ nhiều vấn đề hơn so với những lần trước. Tuy nhiên, Luật cần có sự thống nhất với các quy định khác có liên quan, tránh sự chồng chéo với các luật khác.

Góp ý vào Điều 19 và Điều 79 về việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị quy định rõ về việc thu hồi đất tại các khu kinh tế để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần có quy định rõ về các chủ thể kinh doanh được thuê đất, đất do Nhà nước quản lý.

Về điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định ở Điều 48 dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đề nghị cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp với pháp luật về quyền dân sự, quyền cư trú. Đại biểu đề xuất cho phép chuyển đổi khi đủ điều kiện là được phép chuyển đổi trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) góp ý Điều 5 về người sử dụng đất không quy định cá nhân là người nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp luật khác, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Với Khoản 8 Điều 24, quy định về quyền của công dân đối với đất đai, đại biểu đề nghị bổ sung quy định bảo lãnh quyền sử dụng đất và cầm cố quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, để có căn cứ pháp lý giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Khoản 10 Điều 201 của dự thảo Luật về đất khu công nghiệp, đại biểu cho rằng, so với quy định như dự thảo Luật thiếu sự rõ ràng khi sử dụng cụm từ "xác định nhu cầu xây dựng". Mặt khác vẫn chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, chưa tương thích với Luật Nhà ở sửa đổi để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, tương thích ở sửa đổi Luật Nhà ở; coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là hạ tầng thiết yếu cho khu công nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng công trình công cộng, phục vụ đời sống, làm việc trong khu công nghiệp.

Trước đó vào ngày 9/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Liên quan đến việc thu hồi, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của Nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa; quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác...

Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6548985661827801/