Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính chung quý I/2023, cả nước nhập khoảng 2,6 triệu m3 xăng dầu, tương đương 2,3 tỷ USD, giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 3/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 753.000 m3 xăng dầu, tương đương 610 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 17% về giá trị so với tháng 2. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam hạ nhiệt.
So với tháng 3/2022, thời điểm giá dầu thế giới chịu ảnh hưởng của căng thẳng Nga - Ukraine và nguồn cung xăng dầu trong nước gián đoạn do sự cố ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam đã giảm 42% về lượng và giảm 55% về giá trị.
Cũng trong quý I, Hàn Quốc là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.
Trong quý I/2023, cả nước nhập khoảng 2,6 triệu m3 xăng dầu, tương đương 2,3 tỷ USD, giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc hơn 1 triệu m3 xăng dầu, tương đương 901 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 863 USD/m3, giảm 10% so với quý I/2022.
Trước đó, thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam tăng nhập khẩu xăng dầu các loại hầu hết ở những thị trường chính như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc.
Cụ thể, trong hai tháng Việt Nam đã nhập khẩu 1,85 triệu tấn xăng dầu các loại trị giá 1,64 tỷ USD, tăng 37,3% về lượng và tăng 51% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam tăng hầu hết ở những thị trường chính như Hàn Quốc đạt 711 ngàn tấn, tăng 103,8%; Singapore là 435 ngàn tấn, tăng 175,3%; từ Trung Quốc 196 ngàn tấn, tăng 96,9%. Trong khi đó, nhập khẩu xăng dầu các loại từ thị trường Malaysia 324 ngàn tấn, giảm 19,9%.
Năm 2023, dự báo thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, do đó, về phân giao tổng nguồn xăng dầu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3-1,4 GDP. Lượng xăng dầu phân giao này tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.
Theo đó, Bộ đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023, với mức tăng từ 10% và 15% so với năm 2022. Sản lượng trong 2 kịch bản lần lượt là 25,9 triệu m3, tấn và 26,76 triệu m3, tấn.
Xăng, dầu là nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân nên giá xăng, dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.
Liên quan đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong thời gian qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhận định, Bộ Công Thương đã vào cuộc tích cực giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, song vẫn cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới.
“Cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Vấn đề giá cả xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhất", đại biểu TP.HCM kiến nghị.
Năm 2022, cả nước đã nhập khẩu 8.874.959 tấn xăng dầu, trị giá 8,9 tỷ USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 118,5% về kim ngạch so với năm 2021. Trong số đó, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm 36-37% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 3.222.662 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 96,2% về lượng và tăng 72% về kim ngạch so với năm 2021; tiếp sau là thị trường Singapore, chiếm hơn 16% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu trong năm 2022, đạt 1.490.073 tấn, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 91,3% về kim ngạch. Ngoài ra, trong năm 2022, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Malaysia 1.415.069 tấn, trị giá 1,29 tỷ USD còn nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1.080.850 tấn, trị giá 1,15 tỷ USD. |