Bích Ngọc ·
23 tuần trước
 9796

Quý IV/2023: Bức tranh phân hóa về lợi nhuận ngân hàng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép các ngân hàng có quyền tự chủ động linh hoạt trong việc thực hiện việc cho vay, trong giai đoạn những ngày còn lại của năm.

Theo đó, NHNN thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Tính đến cuối tháng 11/2023, các TCTD có dư nợ tín dụng đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022.

Một trong những tiêu chí để được mở rộng hạn mức tín dụng là những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp, trong thời gian vừa qua. Theo NHNN, việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.

Từ đầu năm nay, NHNN đã xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15% và được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến tháng 7 năm 2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổng mức tăng trưởng 14,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Sau 11 tháng, tình hình tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Tính tới cuối tháng 11 năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt khoảng 8,3%, con số này thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Trong khi đó, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, do đó, NHNN cho hay, việc cho phép các ngân hàng có quyền tự chủ động linh hoạt trong việc thực hiện việc cho vay thời gian cuối năm này là để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến hết quý III/2023, lợi nhuận của các nhà băng thực chất đã có sự phân hóa, trong đó, một số nhà băng vẫn đạt được tăng trưởng lợi nhuận khá tốt, trong khi một số ngân hàng đã bị tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chuyên viên phân tích thuộc Công ty chứng khoán VNDirect, trong quý III năm 2023 có 22 trong số 25 ngân hàng niêm yết có biên lãi ròng giảm so với cùng kỳ do tốc độ tăng lãi suất cho vay thấp hơn tốc độ tăng của chi phí huy động.

Trong số các ngân hàng thương mại cổ phần vốn hóa vừa và lớn, chỉ có 3 ngân hàng là Sacombank, VIB và VietinBank là có khả năng duy trì biên lãi ròng ổn định hoặc cao hơn so với cùng kỳ. Trong khi đó, biên lãi ròng của các ngân hàng có tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao lại tiếp tục giảm nhiều nhất.

Ông Hùng dự báo, trong quý IV năm 2023, kỳ vọng chi phí vốn của các ngân hàng sẽ giảm hơn nữa nhờ tiền gửi chi phí thấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng. Tuy vậy, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại, biên lãi ròng có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức.

So với các ngân hàng khác thì một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng cho vay cá nhân cao và tỷ lệ huy động bằng đồng USD thấp sẽ có cơ hội cải thiện biên lãi ròng tốt hơn. Trong năm 2024, biên lãi ròng sẽ có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu tín dụng quay trở lại cùng với sự tăng trưởng kinh tế.

Về lợi nhuận của các ngân hàng trong quý IV, ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank dự báo, nếu áp dụng dự phóng trong quý IV dựa trên cơ sở các thông tin từ lợi nhuận của quý III thì tăng trưởng của từng ngân hàng trong quý IV rất tốt do tín dụng tăng trưởng tốt.

Các chuyên gia nhận định khi nhận định lợi nhuận ngân hàng có được nhờ yếu tố tăng trưởng tín dụng và theo đó, những ngân hàng được mở rộng tín dụng lần này nếu tận dụng tốt thời cơ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng có thể có nhiều điều kiện tốt hơn để tạo ưu thế về hiệu quả kinh doanh hơn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7151063891619972/?