Trên thị trường tài chính Việt Nam hoạt động phát hành và mua bán trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành chủ đề được bàn luận nhiều hơn từ đầu năm 2022 tới nay sau những động thái nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường từ cơ quan chức năng.
Do "hiệu ứng đám đông" một bộ phận nhà đầu tư có phần thận trọng, bằng mọi cách muốn bán trái phiếu, cũng như chứng chỉ quỹ trái phiếu để thu tiền về. Kết quả là hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút khỏi các quỹ trái phiếu từ đầu tháng 10/2022 trở lại đây, trong đó tiêu biểu là Quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF).
Cụ thể, chỉ số giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của TCBF chỉ còn gần 12.864 đồng/CCQ tại thời điểm ngày 18/11, giảm hơn 22% trong vòng 1 tháng gần nhất (16.498 đồng/CCQ).
Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, còn gần 9.684 tỷ đồng. Thực tế, NAV của TCBF liên tục tăng kể từ khi bắt đầu có mặt trên thị trường trước khi lập đỉnh vào cuối tháng 10 vừa qua và bị giảm đột ngột. Hiện, so với cuối tháng 10 NAV đã giảm gần 6.400 tỷ đồng. Con số này nếu so với thời điểm đầu năm 2022 thậm chí còn hụt đến 11.900 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Được biết, quỹ trái phiếu TCBF đầu tư chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, tiết kiệm. Ngoài ra, nếu đầu tư dưới 1 năm TCBF có thu phí bán lại từ 0.l,5%-1% nên sẽ phù hợp và tối ưu nhất cho những khoản đầu tư dài hạn từ 1 năm trở lên. Nhà đầu tư có thể mua hoặc bán lại hàng ngày nên có tính thanh khoản và linh hoạt cao. Mức vốn đầu tư tối thiểu là 10.000 đồng.
Cuối ngày 18/11, quỹ trái phiếu TCBF đang đầu tư tới 97% tài sản tại các trái phiếu doanh nghiệp (khoảng 9.400 tỷ đồng), còn lại khoảng 3% tổng tài sản được dự trữ dưới dạng tiền mặt. Các khoản đầu tư có tỷ trọng lớn của quỹ gồm: gần 1.432 tỷ đồng trái phiếu Vinhomes (VHM121024), hơn 1.331 tỷ đồng trái phiếu Vincom Retails (VRE12007), hơn 822 tỷ đồng trái phiếu Novaland (NVL122011)...
Ngoài TCBF, từ đầu tháng 11 hầu hết các quỹ mở trái phiếu khác trên thị trường cũng đều bị thu hẹp quy mô tuỳ các mức độ khác nhau. Cụ thể, các MBBond, SSIBF, VNDBF,... so với thời điểm cuối tháng 10 cũng bị giảm quy mô đáng kể, lần lượt 39% và 22%, tuy nhiên mức độ nhẹ nhàng hơn đôi chút so với TCBF.
Việc dòng vốn chảy khỏi TCBF cũng như các quỹ đầu tư trái phiếu khác nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhà đầu tư rút ròng mạnh trong khi giá trị huy động rất thấp, nhiều quỹ mở gần như không huy động được tiền mới trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh cũng khiến dòng vốn chuyển hướng sang các kênh an toàn hơn thay vì lựa chọn các quỹ mở trái phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Ban điều hành quỹ TCBF trước thực trạng trên đã có những khuyến cáo các nhà đầu tư trong thời gian này tiếp tục nắm giữ chứng chỉ quỹ và không nên bán lại chứng chỉ quỹ để tránh thiệt hại không đáng có. Các quỹ đầu tư trái phiếu đều có đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp, nắm giữ các trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động. Hoạt động đầu tư của các quỹ này cũng được đa dạng hóa và được thẩm định, quản trị rủi ro theo chuẩn mực chuyên nghiệp. Đặc biệt các quỹ đầu tư đều được giám sát bởi một ngân hàng.
Do vậy, nhà đầu tư không nên hoang mang và cần cân nhắc kỹ lưỡng về chất lượng danh mục trái phiếu mà quỹ đầu tư nắm giữ trước khi ra quyết định, tránh tình trạng rút tiền bằng mọi giá gây ảnh hưởng đến chính quyền lợi của chính mình.
Ban điều hành của quỹ TCBF cũng kỳ vọng trong thời gian tới khi thị trường bình ổn hơn, giá giao dịch trái phiếu trên thị trường dự kiến về đúng với giá trị thật và cao hơn hiện nay, thì giá chứng chỉ quỹ sẽ trở lại đúng giá trị thật và lợi nhuận kỳ vọng của quỹ có thể đạt đến 10%/năm như kế hoạch.