Đại dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu, có thể gây thiệt mạng trong trường hợp nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê tới ngày 24/03/2020, đã có 16,365 ca tử vong được ghi nhận tại hơn 150 quốc gia trong tổng số 370,000 ca nhiễm COVID-19.
Mới đây, các chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc đã kêu gọi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 rộng hơn ở động vật hoang dã để ngăn nguy cơ lây nhiễm chéo, dẫn đến hình thành biến thể nguy hiểm mới.
Giới chuyên gia Trung Quốc đã kêu gọi xét nghiệm rà soát virus SARS-CoV-2 ở động vật hoang dã để ngăn hình thành biến thể nguy hiểm mới
Tác giả chính của báo cáo trên, ông Gao Fu - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc - chỉ ra rằng một số loài động vật dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và khả năng virus biến đổi trong cơ thể chúng, chẳng hạn như loài chồn vizon, là mối đe doạ lớn đối với sức khoẻ cộng đồng nếu như chúng lây truyền ngược trở lại cho con người.
Ông Gao cùng đồng tác giả Wang Liang tại Viện Khoa học Trung Quốc khẳng định cần tiến hành một cuộc sàng lọc virus gây bệnh COVID-19 quy mô lớn đối với động vật hoang dã trên cạn và dưới biển, đặc biệt các loài dễ phơi nhiễm, để xây dựng chiến lược phòng chống chặt chẽ hơn nữa.
Trên thực tế, cho đến nay, đã có 11 loài được xác định đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hổ, sư tử, khỉ đột, báo tuyết và chồn vizon. 14 loài khác được xác định có khả năng bị nhiễm qua các thí nghiệm nghiên cứu.
Tuy nhiên, hai chuyên gia trên khẳng định con số trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng do khâu sàng lọc nguy cơ ở các loài động vật khác nhau trong phòng thí nghiệm còn hạn chế.
Virus lây lan ở loài hươu đuôi trắng tại Mỹ cũng cho thấy nguy cơ virus có thể đột biến và truyền sang động vật khác trước khi quay trở lại con người. Kể từ khi COVID-19 bùng phát rộng khắp, nhiều loài động vật hoang dã khác có thể đã nhiễm virus thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc không trực tiếp với hươu đuôi trắng.
Một nghiên cứu của chính phủ Mỹ gần đây ở loài hươu hoang dã tại một số bang trong thời gian từ tháng 1/2020 và tháng 3/2021 cho thấy gần 1/3 cá thể hươu có dấu vết kháng thể, mặc dù không ghi nhận triệu chứng của bệnh.
Trước đó, các bằng chứng nghiên cứu đề xuất khả năng virus MERS đã lưu truyền trong loài lạc đà ít nhất hai thập kỷ trước khi phát hiện ca nhiễm ở người.
Tổ chức TRAFFIC ủng hộ việc các chính phủ đã thực thi các biện pháp kịp thời, như lệnh cấm tạm thời buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại Trung Quốc hồi tháng 02/2020 hay việc Việt Nam cũng đang cân nhắc áp dụng quy định tương tự, khuyến nghị các quốc gia có liên quan cùng hành động để giảm thiểu nguy cơ bùng phát của các dịch bệnh tương tự từ động vật hoang dã.
Những động thái nhằm giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, thiếu kiểm soát là lời cảnh tỉnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật này và cần được siết chặt hơn nữa trên tinh thần nhấn mạnh buôn bán ĐVHD bất hợp pháp dù là trực tiếp hay trực tuyến thì cũng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của con người cũng như bảo tồn đa dạng sinh học.