Ngọc Lan ·
32 tuần trước
 10158

Rác trên vịnh Hạ Long xuất phát từ du khách? Sự thật không phải vậy

Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường tại cuộc họp báo thường kỳ quý I do UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 8/4 cho biết, rác trên vịnh hiện nay không phải từ nguồn thải của khách du lịch mà từ các nguồn thải khác nhau.

4 nguồn rác thải chính 

Theo Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, rác trên vịnh Hạ Long xuất phát từ bốn nguồn chính. 

Thứ nhất là hệ quả của quá trình tháo dỡ lồng bè. Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng nuôi trồng thuỷ sản không đúng quy định tại các khu vực ven bờ và phụ cận vịnh Hạ Long, trong đó có chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thuỷ sản từ phao xốp sang các vật liệu bền vững khác.

Trong quá trình này, một lượng không nhỏ phao xốp thải ra chưa được tập kết, thu gom kịp thời đã theo dòng chảy phát tán sang một số khu vực trong vịnh Hạ Long. Một số dạt vào các chân đảo và các khu rừng ngập mặn. 

Thứ hai là rác thải sinh hoạt như túi nilon, vỏ đựng thực phẩm, chai nhựa… phát tán từ bờ ra vịnh. 

Xác định 4 nguồn rác chính trên vịnh Hạ Long. 

Thứ ba bắt nguồn từ các khu vực lân cận. Một số thời điểm trong năm, do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, thủy triều, gió và dòng chảy, chất thải từ các khu vực tiếp giáp trôi, phát tán vào khu vực di sản vịnh Hạ Long.

Cuối cùng là do đặc thù vịnh Hạ Long với địa hình là vùng biển đảo rộng lớn, nhiều đảo đá với 5.000 ha rừng đặc dụng cảnh quan. Gió giật mạnh, giông lốc khiến nhiều cành cây, lá cây từ trên núi đá trôi xuống biển, từ đó tạo thành dòng rác. 

Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, nguyên nhân  tình trạng ô nhiễm nước thải chính là do hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại một số khu dân cư cũ trải dài ven bờ vịnh Hạ Long chưa đồng bộ, làm phát sinh nước thải chưa xử lý ra ngoài môi trường.

Triển khai nhiều biện pháp 

Ông Vũ Kiên Cường khẳng định rác trên vịnh không xuất phát từ khách du lịch mà tập trung từ bốn nguồn nêu trên. Đồng thời thời gian trên tỉnh Quảng Ninh không hề có sự buông lỏng về việc bảo vệ môi trường trên vịnh.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ chín giải pháp để bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long. Cụ thể kiểm soát công tác bảo vệ môi trường của các phương tiện thuỷ, thực hiện thu gom, quản lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Giám sát môi trường vịnh Hạ Long, giám sát bảo tồn di sản đồng thời tuyên truyền bảo vệ môi trường được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…

Trong thời gian tới sẽ tập trung vào hoàn thành lập nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hải Phòng xây dựng cơ chế chính sách quản lý Di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận hồi tháng 9-2023. Tập trung vào nội dung quản lý các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát, thu gom và xử lý các nguồn thải phát sinh.

Đối với giải pháp tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chất thải tại các khu vực trên và ven bờ vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long với mục tiêu 100% nước thải sinh hoạt thành phố Hạ Long được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các địa phương khác ở ven bờ vịnh.

Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1.553km², bao gồm 1.960 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó, vùng lõi của Vịnh có diện tích 334km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo... vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7/2003. Vịnh Hạ Long cũng đượcUNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.