Ngọc Khôi ·
3 năm trước
 2871

Rác và bài toán thu gom rác thải tại các đô thị có thực sự khó?

Rác sẽ là nguồn tài nguyên vô giá nếu được xử lý, tái chế bằng những phương pháp phù hợp, thân thiện với môi trường. Đó còn là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống.

Rác là một vấn đề môi trường, nhất là ở các thành phố lớn. Cùng với mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, rác thải cũng ngày càng nhiều. Xử lý rác thải đã trở thành vấn đề “nóng” của các thành phố trên thế giới.

Tại nhiều quốc gia, rác thải thực sự là tài nguyên chứ không hề là gánh nặng cho ngân sách. Như ở Thụy Điển: 52% lượng rác thải được đốt để sản xuất nhiệt, điện; 47% được tái chế và chỉ 1% rác thải phải chôn lấp. Tại Áo đã phát triển một giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế nhựa PET. Dưới tác động của enzim, nhựa PET sẽ bị phân hủy thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao.

Trong khi đó, rác thải tại Nhật Bản được quản lý có chiều sâu, từ ý thức phân loại, đổ rác đúng nơi của người dân, đến việc đốt rác triệt để bằng công nghệ CFB (đốt hóa lỏng tầng sôi). Rác sẽ bị tiêu hủy hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu khó phân hủy. Cách xử lý rác thải như vậy vừa tận dụng được rác vừa chống được ô nhiễm môi trường.

rác thải

Thụy Điển phải nhập khẩu rác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy xử lý hoạt động. (Ảnh: sweden.se)

Có thể thấy điểm chung của những quốc gia xử lý rác hiệu quả đều xuất phát từ ý thức của người dân qua sự tự giác và tinh thần trách nhiệm cao với việc phân loại rác. Xúc tiến cho các nhà máy đốt rác, tái chế rác là chuyện của nhà nước nhưng phân loại rác là chuyện của mỗi nhà, mỗi người. Nếu không có sự thay đổi từ người dân, dù công nghệ xử lý rác có hiện đại bao nhiêu cũng khó phát huy tối đa tác dụng và khó tiết kiệm kinh phí xử lý rác.

Phân loại và thu gom rác đã trở thành một việc làm bình thường ở các nước phát triển, túi đựng rác là do các gia đình bỏ tiền mua ở cửa hàng. Ở những nước này, người dân coi rác thải sinh hoạt không phải đồ bỏ đi mà cố gắng tận dụng những thứ còn có ích như giấy cũ, túi nylon, mảnh thủy tinh, săm lốp cũ, thậm chí cả những đồ điện hỏng nhằm đem lại lợi ích cho nhà nước, đồng thời làm trong sạch môi trường sống của họ.

Công đoạn thu gom rác thải được thực hiện bắt đầu từ điểm phát sinh. Trước hết, rác được chứa tạm thời tại nguồn (hộ dân cư, cơ quan, trường học, chợ, cửa hàng...). Trong đó, dụng cụ để chứa thường là bao nhựa, thùng nhựa hoặc sắt, container... Kích thước và đặc điểm từng loại phụ thuộc vào mức độ phát sinh và tần số thu gom.

Việc thu gom được tiến hành thủ công hay cơ giới tùy vào khả năng kinh tế và mức độ phát triển mỹ thuật. Thu gom thủ công là chuyển bằng tay các bao rác, thùng rác đổ lên xe tải hoặc xe tay. Thu gom cơ giới áp dụng được khi các loại thùng chứa phải được tiêu chuẩn hóa.

Ngoài ra, tần số thu gom phụ thuộc vào điều kiện khí hậu và thành phần rác. Ðối với địa phương có đặc điểm nhiệt độ cao, rác có thành phần hữu cơ lớn thì mức độ phân hủy rác do vi sinh sẽ nhanh hơn, gây mùi khó chịu tại điểm chứa rác và do vậy việc gom rác phải được làm thường xuyên hơn.

bãi rác

Xe rác nối đuôi chờ đổ rác tại bãi rác Nam Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Rác có thể được chuyển trực tiếp từ nơi chứa tạm thời đến điểm xử lý nếu điều kiện về giao thông cho phép (khoảng cách đến bãi rác gần). Khi nơi xử lý cách xa khu đô thị thì có thể thành lập các điểm trung chuyển gom rác trong thời gian ngắn nhất về đây, sau đó dùng các phương tiện có công suất lớn chuyển rác đến nơi xử lý. Những phương pháp xử lý chính là tái chế, đốt, chôn lấp, làm phân rác. Tùy điều kiện cụ thể và thành phần rác mà người ta lựa chọn phương pháp phù hợp từ các phương pháp cơ bản trên.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Môi trường đô thị và công nghiệp, mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, tỉ lệ thu gom, xử lý rác đô thị khoảng 85%, rác nông thôn chỉ thu gom được khoảng 55%. Phương án xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp (70%), dường như chưa địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn hoàn thiện để rác được tái chế, thành tài nguyên.

Rác là nguồn tài nguyên với rất nhiều giá trị sử dụng mới có thể tạo ra như khí đốt, điện năng, vật liệu tái chế… Tuy nhiên, với lượng rác thải ngày càng tăng, nếu không có cách xử lý hiệu quả thì để rác có thể biến thành tài nguyên là điều rất khó.

Nguồn