Lần đầu tiên, các nhà khoa học xác nhận 'lá phổi' Amazon thải khí carbon nhiều hơn hấp thu. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 14-7, các nhà khoa học ước tính lượng carbon dixoxide thải ra từ rừng Amazon là 1 tỉ tấn một năm, tương đương với phát thải của cả Nhật Bản.
Phần lớn lượng khí thải này là từ các hoạt động đốt và khai hoang để lấy đất chăn nuôi bò và trồng đậu nành. Việc đốt phá tạo ra 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm và rừng chỉ "xử lý" được 0,5 tỉ tấn.
Trong khi đó, tại khu vực đông nam Amazon, dù không bị đốt phá nhưng nhiệt độ cao và khô hạn cũng khiến rừng thải ra nhiều CO2 hơn. Đây là điều khiến các nhà khoa học lo ngại. Nguyên nhân được cho là việc đốt, phá rừng nhiều năm qua đã làm rừng suy yếu.
Trong 10 năm, lưu vực sông Amazon đã thải ra 16,6 tỷ tấn CO2, trong khi chỉ hấp thụ khoảng 13,9 tỷ tấn khí thải này. (Ảnh: AP)
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cũng phát hiện ra rằng, nạn phá rừng bởi các vụ cháy rừng và chặt phá đã tăng gấp gần 4 lần vào năm 2019 so với 1 - 2 năm trước đó, từ khoảng 1 triệu ha lên 3,9 triệu ha. Việc áp dụng các chính sách bảo tồn rừng của Brazil đã sụt giảm mạnh kể từ khi Tổng thống nước này Jair Bolsonaro tuyên bố nhậm chức vào tháng 1/2019.
Các hệ sinh thái trên cạn là một yếu tố quan trọng trong việc hạn chế lượng CO2. Lượng khí thải này đã đạt mức 40 tỷ tấn vào năm 2019. Trong nửa thế kỷ qua, thực vật và đất đã liên tục hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2, ngay cả khi lượng khí thải này tăng lên 50% trong giai đoạn trên.
Các nhà khoa học cảnh báo việc Amazon dần mất đi khả năng hấp thu CO2 một lần nữa cho thấy sự cấp bách phải cắt giảm khí thải. Cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu lượng khí thải thế giới suốt nhiều thập kỷ qua.
Một nhà khoa học tại Viện Nông học Quốc gia Pháp, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có số liệu cho thấy, khu vực Amazon của Brazil đã đảo lộn quá trình hấp thụ khí CO2. Nó hiện phát thải carbon nhiều hơn lượng hấp thụ, hay nói cách khác là nơi phát thải ròng".
Nghiên cứu phát hiện, rừng nhiệt đới này đang mất dần khả năng hấp thu carbon.
Ông Jean-Pierre Wigneron cho biết thêm: "Chúng tôi không biết, sự biến đổi này có thể trở nên không thể đảo ngược vào thời điểm nào".
Điều này thật tệ! Việc nguồn hấp thu carbon năng suất nhất trên hành tinh chuyển từ hấp thu sang nguồn phát thải cho thấy sự sống của con người đang bị đe dọa. Đây mới chỉ là một "cảnh báo", một "tín hiệu" từ thiên nhiên gửi đến con người. Vậy, sau này sẽ còn những điều gì?