Thanh Thúy ·
3 năm trước
 3158

Rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển quý giá của Việt Nam

Rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2000. Qua hơn 20 năm, đến nay, rừng ngập mặn Cần Giờ giữ vững vai trò là lá phổi xanh bảo vệ cho thành phố trọng điểm phía Nam.

Màu xanh Cần Giờ. 

Nằm cách trung tâm TP.HCM gần 40 km, Khu DTSQ Cần Giờ có tổng diện tích hơn 75.000 ha, trong đó vùng lõi rộng 4.721 ha, vùng đệm 41.000 ha và vùng chuyển tiếp 29 nghìn ha. Nơi đây là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

Lịch sử hình thành

Trước chiến tranh, Cần Giờ vốn đã là khu rừng ngập mặn với quần thể động thực vật phong phú. Xong nơi đây từng bị bom đạn và chất độc hủy hoại trong cuộc kháng chiến của dân tộc.

Tới năm 1978, khi được sáp nhập về thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), UBND thành phố đã có những hành động thiết thực tái tạo lại rừng. Nhiệm vụ trồng rừng đã làm sống lại tới 31.000 ha cây trồng và tự nhiên.  Với sự kiện được Chương trình Con người và Sinh Quyển – MAB của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2000 đã thực sự ghi nhận sự đóng góp và nỗ lực lớn của lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM và nhân dân Cần Giờ.

Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước.

Hệ sinh thái đa đạng

Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Vườn Tràm Chim. 

Về thực vật: nhiều loại cây, chủ yếu là bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi – bần trắng cùng xu ổi, trang, đưng v.v… và các loại nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng, v.v… Thảm cỏ biển với các loài ưu thế Halophyla sp., Halodule sp., và Thalassia sp.; đất canh tác nông nghiệp với lúa, khoai mỡ, các loại đậu, dừa, các loại cây ăn quả.

Về động vật: khu hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú. Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như: tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, cá sấu hoa cà… Khu hệ chim có khoảng 130 loài thuộc 47 họ, 17 bộ. Trong đó có 51 loài chim nước và 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau.

Đây là một khu rừng mà theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài là được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và toàn thế giới. Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành “lá phổi” đồng thời là “quả thận” có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai – Sài Gòn để ra biển Ðông.

Theo ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, nỗ lực phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn đã biến vùng đất hoang sơ, trơ trụi bị hủy diệt do chiến tranh trở thành những cánh rừng xanh tươi bạt ngàn, cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho các loại sinh vật phát triển. So với các nước Đông - Nam Á, hầu hết các loại thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn đều có mặt ở rừng Cần Giờ. Điều này cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, trong đó có hệ thực vật sau thời gian dài khôi phục và phát triển không những đạt về diện tích, mà còn phong phú hơn về chủng loại so với thời kỳ trước chiến tranh.

Giữ vững vai trò ‘lá phổi xanh’

Bên cạnh là nơi sinh sống, cung cấp thức ăn của nhiều loài động thực vật quý hiếm, rừng ngập mặn Cần Giờ cũng đóng vai trò là "lá phổi xanh" của Sài Gòn. Chức năng của "lá phổi" này là làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai – Sài Gòn để ra biển Ðông. 

Khu rừng đóng vai trò làm sạch không khí, nước thải từ thành phố, khu sản xuất công nghiệp. Đồng thời trả lại môi trường trong lành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Rừng ngập mặn còn giúp hạn chế các thiệt hại do bão lũ. Đây cũng là cư trú, sinh trưởng và cung cấp nguồn thức ăn cho các loài động thực vật.

Rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cũng như góp phần bảo vệ dân cư và hạ tầng ven biển. Phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thành công là nhờ đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư địa phương, từ việc chung tay trồng rừng trong suốt giai đoạn sau chiến tranh cho đến việc nhận khoán bảo vệ rừng, nhiều người trong số các hộ tham gia bảo vệ rừng hiện nay trước đây đã từng chặt phá rừng. Ngoài ra, việc giao rừng cho người dân chăm sóc và bảo vệ đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao sinh kế, ổn định cuộc sống và gắn bó với rừng ngập mặn Cần Giờ như hiện nay.

Thời gian tới, để Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ tiếp tục phát triển bền vững, cần có những nghiên cứu tổng hợp và toàn diện về đa dạng sinh vật; quản lý tổng hợp tài nguyên rừng ngập mặn cần có sự tham gia của cộng đồng. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức trong nước và nước ngoài nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh vật, qua đó đưa ra các chiến lược cụ thể để bảo vệ và phát triển rừng.

Hoạt động công nghiệp phát triển và câu chuyện bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển Cần Giờngày một khó khăn hơn. Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục cộng đồng bảo vệ rừng ngập mặn vô cùng cấp thiết, không chỉ góp phần giúp thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời còn thiết lập "bức tường xanh" vững chắc tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định hơn.

TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước, Phó Chủ tịch Hội đất ngập nước chia sẻ: “Nên xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một trung tâm nghiên cứu về rừng ngập mặn quốc gia, khu vực và thế giới. Bởi, với tiềm lực khoa học và kinh tế của thành phố, vị trí của khu rừng ngập mặn này, có thể gắn với phía đông của thành phố trong tương lai để nghiên cứu khoa học. Do đó, nên nâng tầm khu rừng ngập mặn Cần Giờ vừa trở thành một mô hình mẫu để phục hồi một vùng đất ngập nước bền vững, vừa trở thành trung tâm nghiên cứu, giáo dục về rừng ngập mặn của cả nước, khu vực Đông - Nam Á và thế giới. Đồng thời, xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một công viên giải trí, thư giãn cao cấp. Khu rừng cách trung tâm thành phố không xa, lại có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và không khí trong lành”.

Nguồn