Đinh Hà ·
2 năm trước
 9206

Rừng ngập mặn Rú Chá bị ô nhiễm nghiêm trọng, trách nhiệm thuộc về ai?

Mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thế nhưng rừng Rú Chá - rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm lại tràn ngập rác thải xâm nhập mặt nước, khiến môi trường nơi đây ô nhiễm trầm trọng, bốc mùi hôi thối. Trong vấn đề này trách nhiệm thuộc về ai và giải quyết như thế nào?

Rừng ngập mặn Rú Chá thuộc thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách TP Huế khoảng 15km, nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An. Với diện tích chưa đầy 4 ha, đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn tồn tại trên hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Vùng đất Cố đô này vốn đã là vùng đất của miền du lịch, hàng năm có rất nhiều du khách đổ về đây. Khu rừng ngập mặn Rú Chá này cũng là một trong những điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách bởi vẻ đẹp nên thơ của nó.

Ấy vậy mà trong thời điểm tình hình dịch bệnh đang nghiêm trọng, du khách ít lui tới, thế nhưng rừng Rú Chá lại tràn ngập rác thải, không những la liệt trên cạn mà còn xâm nhập mặt nước, khiến môi trường nơi đây ô nhiễm trầm trọng, nhiều nơi bốc mùi hôi thối.

rừng ngập mặn

Ảnh: Báo Công luận

Theo thông tin từ Báo Công luận, rác được vất vương vãi khắp nơi. Rác thải từ những cuộc ăn uống, vui chơi của du khách như vỏ chai, túi ni lông, vỏ bánh kẹo, thức ăn thừa bị vứt tràn lan bốc mùi hôi thối.

Một du khách đến câu cá ở Rú Chá cho biết: "Rú Chá được biết đến là điểm du lịch sinh thái thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ về đây để chụp ảnh, selfie, nhưng khi chúng tôi về đây thăm quan, câu cá thì nhìn đâu cũng thấy rác thải được vất khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường".

rừng rú chá ô nhiễm

Ảnh: Báo Công luận

Một người dân địa phương cho biết, từ sau Tết nguyên đán đến nay rác ở đây không hề được thu gom. Nhiều giỏ rác tại đây đã bị mục nát và lọt thỏm trong những đống rác khổng lồ.

Ông Trần Viết Chức, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, chính quyền địa phương chưa hề ký hợp đồng thu gom rác thải khu vực Rú Chá với bất kỳ đơn vị nào. Việc thu gom rác lâu nay được giao cho các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… và việc rác thải tràn ngập khu vực Rú Chá chỉ được biết đến khi được cung cấp thông tin.

rừng rú chá

Ảnh: Báo Công luận

Một khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm thuộc hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhưng lại không hề có hợp đồng thu gom rác thải? Không những thế, việc khu rừng quý hiếm bị ô nhiễm trầm trọng nhưng chính quyền lại không biết, cùng với đó là sự đùn đẩy trách nhiệm cho các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ…?

Câu hỏi được đặt ra ở đây là trách nhiệm của chính quyền ở đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự ô nhiễm và hư tổn của khu rừng ngập mặn Rú Chá? Hơn nữa, trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số rác thải từ những cuộc ăn uống, vui chơi của du khách trong khu rừng Rú Chá từ đâu mà ra? Chính quyền có đang nơi trong công tác phòng chống dịch bệnh không? Hay số rác đó đã được tồn đọng từ lâu? 

Để được giải đáp những thắc mắc đó cần có câu trả lời rõ ràng từ chính quyền và các cơ quan chức năng. Khu rừng Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm, có ý nghĩ to lớn trong bảo tồn hệ sinh thái ngập mặn mà thiên nhiên đã trao tặng cho vùng đất Cố Đô, chúng ta - bao gồm bản thân mỗi người dân và cả chính quyền phải chung tay và có những giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ khu rừng này trước khi không còn có cơ hội cứu vãn.

Rừng Rú Chá được xem là lá phổi xanh của TP Huế, được xem như “bức bình phong” án ngữ, che chắn cho đất liền và là địa điểm thu hút du khách bởi nét hoang sơ, thơ mộng. Bên cạnh đó, Rú Chá cũng góp phần cung cấp tài nguyên, tạo điều kiện để nuôi trồng thủy sản, tạo kế sinh nhai cho người dân địa phương.

Theo tiếng địa phương Huế, “rú” ở đây nghĩa là rừng núi, còn “chá” là tên một loài cây mọc chiếm 90% diện tích nơi đây. Cái tên cũng từ đó mà ra đời, vừa dân dã quê mùa vừa gần gũi thân thương để gọi tên một khu rừng đã trở nên quen thuộc với người dân xứ Huế.