PN ·
2 năm trước
 4430

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật để bảo vệ

Đánh giá nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ rừng không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến rừng vẫn bị tàn phá, tỉnh Đắk Lắk đề nghị sửa đổi một số điều luật, tăng nguồn đầu tư để bảo vệ rừng Tây Nguyên

Là khu vực vốn có trữ lượng rừng giàu bậc nhất cả nước, đánh giá nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ rừng không còn phù hợp với thực tế khiến rừng vẫn bị tàn phá, tỉnh Đắk Lắk đề nghị sửa đổi một số điều luật, tăng nguồn đầu tư nhằm nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng tại Tây Nguyên.

Trên thực tế rừng ở Tây Nguyên bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh).

Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến
suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên.

Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý. Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, còn có tình trạng một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật. Do đó, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên.

Nguồn: Kinh tế Môi trường