Lan Hương ·
3 năm trước
 2356

Sai phạm của HTX Bến Nghé có liên quan tới phi vụ tăng vốn điều lệ bất thường hàng ngàn tỉ tại Saigon Co.op hay không?

Qua thanh tra, những thương vụ góp vốn trái pháp luật có liên quan đến sai phạm tại HTX Bến Nghé đã bị ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên có nhiều câu hỏi cho rằng liệu mục đích của việc tăng vốn thần tốc, dồn tiền vào Saigon Co.op này là gì?

Vừa qua, về sự việc Hợp tác xã Bến Nghé (HTX) góp tới 282 tỷ đồng vào Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) năm 2020, UBND Quận 1, TPHCM đã có kết luận chỉ ra nhiều bất thường trong hoạt động này.

HTX Bến Nghé: Kết nạp thành viên mới nhưng thành viên không có nhu cầu làm việc tại HTX?

Với việc kết nạp thành viên mới, thông thường, đó phải là người có nhu cầu làm việc, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng với HTX Bến Nghé thì hoạt động kết nạp thành viên mới lại không như vậy. 

Trước hết, về HTX Bến Nghé, HTX Bến Nghé được thành lập năm 1998, vốn điều lệ từ năm 1998 đến 2019 là 54,3 triệu (tăng từ 53,8 triệu lên 54,3 triệu đồng năm 2019). Thế nhưng, sang đầu năm 2020, bất ngờ HTX này góp vốn gần 282 tỷ đồng vào Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cao hơn rất nhiều lần so với vốn điều lệ.

Saigon Co.op

Hệ thống siêu thị, đại siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm, bách hóa hiện đại... của Saigon Co.op nằm ở nhiều vị trí đắc địa và giá trị thương mại cao

Qua hồ sơ do đơn vị cung cấp (danh sách thành viên HTX Bến nghé tính đến thời điểm 31/12 hàng năm), ghi nhận: năm 2018, hợp tác xã có 14 thành viên, năm 2019 và 2020 có 21 thành viên, tăng 7 thành viên só với năm 2018 gồm: ông Nguyễn Vũ Toàn, ông Nguyễn Văn Mẫn, bà Nguyễn Thị Thu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, bà Lại Thị Loan, bà Huỳnh Thị Duy và bà Trần Kim Hồng Đào.

Đối với trường hợp ông Nguyễn Vũ Toàn góp vốn vào HTX ngày 1/6/2019, HTX Bến Nghé không cung cấp được hồ sơ họp Hội đồng quản trị, Đại hội thành viên về việc kết nạp thành viên mới đối với ông Toàn.

Qua làm việc với ông Nguyễn Trọng Toàn – Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Bến Nghé vào ngày 23 và 31/3/2021 ghi nhận: "Ông Nguyễn Vũ Toàn là Phó Tổng giám đốc Liên minh HTX TM TP.HCM (Saigon Co.op)… là người của Saigon Co.op cử tham gia tại HTX Bến Nghé để hỗ trợ về mặt hàng hóa do ông Toàn phụ trách mảng kinh doanh tại Saigon Co.op; không phải là lao động trực tiếp tại HTX Bến Nghé…".

Như vậy, HTX Bến Nghé thực hiện việc kết nạp thành viên mới nhưng thực tế thành viên không có nhu cầu việc làm tại HTX Bến Nghé là vi phạm quy định về điều kiện trở thành thành viên theo Luật HTX năm 2012.

Văn phòng HTX Bến Nghé tại số 17 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 - (Ảnh: Quang Phương)

Văn phòng HTX Bến Nghé tại số 17 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 - (Ảnh: Dân Việt)

Kết luận thanh tra cho biết: Qua xác minh 3/6 thành viên còn lại tại thời điểm kết nạp đã là người lao động của doanh nghiệp khác (Công ty CP Dịch vụ bảo vệ ngân hàng và Công ty CP Sovico Holdings). Đồng thời cả 6 thành viên đều chưa từng lao động thực tế tại HTX Bến Nghé. Những người này góp vốn ban đầu là 5 triệu đồng/người.

UBND Quận 1 kết luận: Như vậy, HTX Bến Nghé không tổ chức họp hội đồng quản trị nhưng đã thực hiện việc kết nạp thành viên là vi phạm quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị tại khoản 7, điều 36 Luật HTX năm 2012 và Điều 7, Điều lệ HTX năm 2016. Đồng thời, việc kết nạp 6 thành viên mới nêu trên vào HTX Bến Nghé là có dấu hiệu không bình thường.

Vậy, câu hỏi đặt ra là không có nhu cầu hoạt động tại HTX Bến Nghé, nhưng những người này lại được kết nạp vào hệ thống nhân sự của doanh nghiệp. Vậy mục đích của việc kết nạp là gì? Việc kết nạp thành viên mới nhưng không có nhu cầu làm việc liệu có phải là hành vi hợp thức hóa cho một hoạt động nào đó tiếp theo?

Việc góp vốn có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa HTX Bến Nghé để hoạt động trái pháp luật?

Câu hỏi được hé mở khi sau đó khoảng 1 tháng (khoảng đầu năm 2020), 6 thành viên mới này dù chưa được tạo việc làm nhưng tiếp tục góp vốn để tăng vốn điều lệ của HTX Bến Nghé với với tổng số vốn góp gần 2 tỷ đồng (1.945.660.000 đồng) dù HTX Bến Nghé không có phương án kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận cho số vốn góp này.

Một câu hỏi lại tiếp tục được đăt ra, rằng mục đích 6 người này góp số tiền lớn như vậy để làm gì, trong khi chắc chắn số tiền này không phục vụ mục đích kinh doanh của HTX Bến Nghé?

Thế nhưng, số tiền gần 2 tỉ đồng này không nằm ở tài khoản của HTX Bến Nghé được bao lâu, đã nhanh chóng được HTX Bến Nghé chuyển toàn bộ để góp vốn vào Saigon Co.op mà không để lại phần vốn góp nào nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của HTX. Hoạt động này được tiến hành vào ngày 20/1/2020.

Không chỉ có hành động góp vốn của 6 thành viên này vào Saigon Co.op là bất thường, mà HTX Bến Nghé cũng có liên quan đến một "phi vụ" góp vốn khác vào Saigon Co.op với số tiền "khủng" lên tới 280 tỉ đồng. 

Con số 280 tỉ đồng đó chính là số tiền mà Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới (gọi tắt: Công ty Đô Thị Mới) đã ký kết hợp đồng hợp tác với HTX Bến Nghé. Hợp đồng 280 tỉ này được kí kết vào ngày 16/1/2020.

Bốn ngày sau, Công ty Đô Thị Mới đã chuyển 280 tỷ đồng vào tài khoản của HTX Bến Nghé. Thế nhưng cũng tương tự như khoản tiền gần 2 tỉ đồng mà 6 thành viên kể trên, số tiền 280 tỉ đồng này đã được chuyển toàn bộ để góp vốn vào Saigon Co.op. Trong khi đó, Công ty Đô Thị Mới không phải là thành viên HTX Bến Nghé. 

Ông Nguyễn Trọng Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Bến Nghé và bà Trần Thị Hồng, thành viên HĐQT kiêm phó giám đốc HTX Bến Nghé đều thừa nhận: Việc góp vốn của 6 thành viên mới và huy động vốn từ Công ty Đô Thị Mới (không phải là thành viên HTX) là nhằm thông qua danh nghĩa của HTX Bến Nghé với tư cách là thành viên Saigon Co.op để chuyển toàn bộ số tiền hơn 281 tỷ đồng để góp vốn vào Saigon Co.op.

Đoàn thanh tra UBND Quận 1 nhận định: HĐQT HTX Bến Nghé góp vốn từ nguồn vốn hợp tác đầu tư của Công ty Đô Thị Mới (không phải là thành viên của HTX Bến Nghé và Saigon Co.op) để thực hiện góp vốn tăng điều lệ của Saigon Co.op là vi phạm quy định tại khoản 1, điều 43, Luật HTX năm 2012 về Vốn điều lệ của HTX, Liên hiệp HTX…

Từ đó, UBND Quận 1 kết luận: Việc góp vốn trên có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa HTX Bến Nghé để hoạt động trái pháp luật, vi phạm các quy định về thẩm quyền, trình tự, phương thức huy động vốn góp, huy động vốn không phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà mục đích là để góp vốn vào Saigon Co.op.

Kết luận thanh tra của UBND quận 1 cho biết: Ngày 30/9/2020, UBND quận 1 đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với HTX Bến Nghé về 4 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt 40 triệu đồng.

Kết luận của UBND quận 1 nêu: ngày 25/3/2020, qua làm việc với ông Nguyễn Trọng Toàn – Chủ tịch HĐQT HTX Bến Nghé, ghi nhận: HTX Bến Nghé có văn bản đề nghị Saigon Co.op hoàn trả lại vốn góp. Việc đề nghị hoàn trả lại vốn góp đã được Đại hội thành viên Saigon Co.op thông qua và ban hành nghị quyết chấp thuận rút vốn của HTX thành viên.

Tuy nhiên, hiện nay số tiền góp vốn của HTX Bến nghé góp vào Saigon Co.op hơn 281 tỷ đồng chưa được hoàn trả. Lý do hiện nay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang thanh tra, điều tra theo chỉ đạo của UBND TP.HCM về các vấn đề liên quan đến Saigon Co.op.

Còn hành vi chưa hạch toán vào sổ kế toán số tiền 280 tỷ đồng là số tiền hợp tác với Công ty Đô Thị Mới. Hành vi này đã vi phạm Nghị định của Chính phủ năm 2018, Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. HTX Bến Nghé bị phạt 25 triệu đồng.

Có liên quan tới phi vụ tăng vốn điều lệ bất thường hàng ngàn tỉ tại Saigon Co.op hay không?

Trước đó, Thanh tra TPHCM khẳng định; Việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op lên tới hơn 3.597 tỷ đồng trong thời gian ngắn là “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Vậy, 2 "phi vụ" góp vốn bất thường dựa trên danh nghĩa của HTX Bến Nghé để đổ tiền vào Saigon Co.op có nằm trong kế hoạch tăng vốn thần tốc của Saigon Co.op hay không? Và mục đích của việc dồn tiền nhanh chóng quy mô lớn này là gì? 

Chỉ biết rằng quá trình hoạt động của Saigon Co.op từ 1999 đến tháng 1.2020 đã có 9 lần tăng vốn điều lệ: Từ hơn 1 tỉ đồng năm 1999 tăng lên 3.200 tỉ đồng (lần thứ 8) vào năm 2015 và tăng vọt lên hơn 6.797 tỉ đồng (lần thứ 9) vào tháng 1.2020.

Khi vào cuộc, Thanh tra TP.HCM kết luận việc tăng vốn điều lệ lần thứ 9 tại Saigon Co.op là không đúng quy định pháp luật, “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”.

Được biết, Saigon Co.op được ví như "gà đẻ trứng vàng" của tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể.

Được hình thành có phần hỗ trợ từ ngân sách (vốn công trợ) trong hình thành tài sản của đơn vị. Sau 31 năm thành lập đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu VN, vào Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Saigon Co.op luôn dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với tỷ lệ khoảng 43%, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2. Trên phạm vi cả nước, hệ thống siêu thị, đại siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm, bách hóa hiện đại... nằm ở nhiều vị trí đắc địa và giá trị thương mại cao.

Lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800 - 1.500 tỉ đồng/năm. Đặc biệt hơn, tổng tài sản của Saigon Co.op theo sổ sách kế toán ghi nhận năm 2019 lên đến hơn 16.000 tỉ đồng.

Chính vì vậy, Thanh tra TP.HCM cũng cho rằng nếu để Saigon Co.op bị thâu tóm, thì “gà đẻ trứng vàng” này “sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động”.

Qua thanh tra, những thương vụ góp vốn trái pháp luật có liên quan đến sai phạm tại HTX Bến Nghé đã bị ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên có nhiều câu hỏi cho rằng liệu mục đích của việc tăng vốn thần tốc, dồn tiền vào Saigon Co.op này là gì?

Tư liệu từ Dân Việt/Thanh Niên