Nếu dân cố ý xây lệch ra khỏi đất nhà mình, lấn sang đất công cộng thì ngay lập tức cơ quan chức năng sẽ xuống kiểm tra, xử lý răn đe để không tạo tiền lệ xấu cho khu phố. Thế nhưng bằng cách nào, CĐT dự án An Lạc Green Symphony đã "qua mắt" 2 lớp thanh tra là Uỷ ban nhân dân xã Vân Canh và Đội trật tự xây dựng huyện Hoài Đức để có thể ngang nhiên xây dựng, đổ bê tông tầng hầm toà nhà C1-CT, trong khi đó diện tích vi phạm được xác định là hơn 6.000m2?
Dự án An Lạc Green Symphony xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội xây dựng tòa nhà ký hiệu C1-CT (chung cư) không phép, quy mô hơn 6.100m2 và bị xử phạt đã xôn xao dư luận trong thời gian qua.
An Lạc Green Symphony tiền thân là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư (năm 2007). Sau hơn chục năm nằm “đắp chiếu”, dự án được tái khởi động gần đây.
An Lạc Green Symphony nhìn từ phía đường 70
Tuy nhiên, điều đáng nói là ngoài những vị trí được cấp phép xây dựng theo quy hoạch, chủ đầu tư dự án tổ chức xây dựng công trình có diện tích hàng nghìn m2 mà không có giấy phép xây dựng.
Theo quyết định xử phạt của UBND H.Hoài Đức, hành vi vi phạm hành chính của Công ty An Lạc (trụ sở tại 62 Nguyễn Chí Thanh, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội) là tổ chức thi công xây dựng công trình phần hầm nhà cao tầng với diện tích xây dựng là hơn 6.000 m2 tại khu đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony, xã Vân Canh. Quyết định xử phạt của UBND H.Hoài Đức cũng nêu rõ về số tiền nộp phạt 40 triệu đồng kể trên, Công ty An Lạc phải nộp trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định.
Cũng theo quyết định, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lâp biên bản vi phạm hành chính là 20/04/2021, Công ty An Lạc phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp qua 60 ngày, Công ty An Lạc do ông Nguyễn Trọng Thông làm Chủ tịch HĐQT không xuất trình được giấy phép xây dựng sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ theo quy định.
Nhiều người cho rằng với sai phạm kể trên, thì mức phạt 40 triệu đồng là không đủ sức răn đe, thậm chí trường hợp xấu hơn còn có thể "cổ vũ" những sai phạm tương tự có thể tiếp tục xảy ra. Rằng sau sai phạm, nếu được cấp phép xây dựng theo kiểu "chuyện đã rồi" thì sẽ trở thành tiền lệ không tốt. Nếu không có quy định nghiêm khắc mang tính chất răn đe, thì sẽ còn bao nhiêu dự án sai phạm, chịu phạt sau đó xin được cấp phép xây dựng?
Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là Chủ đầu tư dự án An Lạc Green Symphony bằng cách nào đã "qua mắt" 2 lớp thanh tra là Uỷ ban nhân dân xã Vân Canh và Đội trật tự xây dựng huyện Hoài Đức để có thể ngang nhiên xây dựng, đổ bê tông tầng hầm toà nhà C1-CT, trong khi đó diện tích vi phạm được xác định hơn 6.000m2?
Toà nhà sắp đổ 2 tầng bê tông, huyện Hoài Đức cho rằng mới đang ép cọc.
Với diện tích lớn như vậy, Chủ đầu tư dự án An Lạc Green Symphony vẫn tiến hành xây dựng trái phép mà không gặp trở ngại nào. Vì sao tôi lại nói vậy, vì theo báo chí phản ánh, thì tại hiện trường phía báo chí đã ghi nhận được toà C1-CT đã đổ bê tông tầng hầm, đang ghép cốt pha để đổ tầng thứ 2. Thế nhưng trong quá trình trao đổi với đại diện huyện Hoài Đức, vị đại diện vẫn khẳng định, dự án đang quây tôn ép cọc?
Chúng ta đặt câu hỏi về năng lực quản lý của Uỷ ban nhân dân xã Vân Canh và Đội trật tự xây dựng huyện Hoài Đức vì sao đã để sai phạm đi quá xa, khi nhận được phản ánh của phái báo chí mới vào cuộc và xử lý! Sai phạm trên diện tích 6.000m2 tại dự án An Lạc Green Symphony, ai là người giám sát và chịu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm này?