Sáng 18/3, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay, theo báo cáo, hiện nay trên cả nước có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, các doanh nghiệp thời gian qua đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy vậy cũng có những doanh nghiệp đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích riêng của kiểm toán viên khiến cho thất thoát ngân sách Nhà nước, bao che tiêu cực, sai phạm. Chẳng hạn vụ án SCB đã có đến 3 công ty kiểm toán tầm cỡ sai phạm. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp để răn đe, phòng ngừa tiêu cực trong kiểm toán tư nhân.
Trả lời chất vấn về vấn đề kiểm toán có sai phạm, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự.
Bộ trưởng cho biết, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán; tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp. Bên cạnh đó cũng không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng các công ty thẩm định giá có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, trong các vụ án, sai phạm, vai trò của các đơn vị này rất quan trọng. Việc tăng quá nóng số lượng doanh nghiệp thẩm định giá, hiệu quả hoạt động, đạo đức nghề nghiệp đi xuống dẫn đến chuyện tiếp tay cho sai phạm. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu, như thế nào và có những giải pháp nào để khắc phục bất cập trên.
Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng đánh giá "Bộ Tài chính cấp phép nhiều cho công ty có vai trò thẩm định giá" là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi vì trên cả nước hiện nay có hàng trăm công ty thẩm định giá. Kiểm định viên về giá có chứng chỉ phải được đào tạo và qua thi cử. Trong 3 năm qua, không kỳ thi nào có số lượng trúng tuyển vượt 33%. Có nghĩa là, việc cấp phép hoạt động với các thẩm định viên được quản lý rất chặt. Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ kiểm tra lại các bộ hồ sơ, nếu có sai phạm sẽ xử phạt và xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Tài chính cũng nêu ví dụ trong vụ án tại Ngân hàng SCB, 3 công ty kiểm toán hàng đầu của thế giới trong nhóm Big4, đều vi phạm. Đây là sai phạm do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý.
"Tư lệnh" ngành tài chính cũng cho hay, một số văn bản pháp luật còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng… Tuy vậy, khi xác định cán bộ kiểm toán, thẩm định giá cố tình làm sai thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí hình sự.
Theo kết luận điều tra vụ án tại Ngân hàng SCB của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) và cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hậu hợp nhất, ngân hàng SCB thuê các công ty kiểm toán thuộc nhóm "Big 4" - hãng danh tiếng hàng đầu thế giới - kiểm tra báo cáo tài chính hàng năm. Kết quả thẩm định thường niên từ năm 2012 đến 2021 - trước khi vụ án bị khởi tố - không cho thấy điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng này, theo các báo cáo kiểm toán được SCB công bố. Tại đợt kiểm toán gần nhất trước vụ án - tháng 6/2021 - SCB có lợi nhuận lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khi vụ việc "vỡ lở", SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, kết quả kiểm toán cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng đã lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7547683288624695/?