Thành Phong ·
23 tuần trước
 7854

Sắp thanh tra chuyên ngành năm 2024 tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản số 9696/BKHĐT-TTr hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2024 tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục đích của hoạt động thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, thiếu sót trong quản lý nhà nước; xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật còn bất cập, sơ hở.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư cần tập trung vào những vấn đề gây bức xúc của người dân, dư luận xã hội quan tâm. Hạn chế tối đa việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

Ảnh minh họa

8 nội dung thanh tra chuyên ngành

Hoạt động thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư năm 2024 tại các địa phương tập trung vào các nội dung sau:

- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công;

- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư;

- Thanh tra việc chấp hành pháp luật theo phương thức đối tác công - tư (PPP);

- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đấu thầu;

- Thanh tra trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh;

- Thanh tra trong lĩnh vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Thanh tra trong lĩnh vực quy hoạch;

- Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc các vụ việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở giao.

Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Sở, báo cáo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh; Trong quá trình xây dựng, thực hiện Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2024 cần phối hợp với Thanh tra tỉnh, Thanh tra các Sở, ngành khác, Thanh tra các quận, huyện, thị trong tỉnh để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nhân lực và điều kiện cần thiết để đảm bảo hoàn thành có chất lượng kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.

Kế hoạch thanh tra chuyên ngành ban hành phải gửi cho Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ gửi về Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BKHĐT ngày 26/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2024 của các Sở Kế hoạch và Đầu tư; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Bộ trưởng và Thanh tra Chính phủ.

Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 năm qua, Thanh tra Bộ đã triển khai 186 cuộc, gồm 149 cuộc thanh tra chuyên ngành và 37 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 10.472 tỷ đồng và trên 67 triệu USD (trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách là 1.060 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh toán, quyết toán là 568 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 8.844 tỷ đồng và trên 67 triệu USD); kiến nghị thu hồi 57 dự án đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.185 tỷ đồng và 15 triệu USD, tổng diện tích đất đăng ký khoảng 5.269,7 ha.

Thông qua 149 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ở các lĩnh vực được xã hội quan tâm như: dự án giao thông, thủy lợi quy mô lớn; dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng; dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu công; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư… cũng như thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Thanh tra Bộ đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục. Những đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn rất có giá trị, đóng góp vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư ở khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, quy hoạch...

Bên cạnh đó, thông qua 37 cuộc thanh tra hành chính trong 20 năm qua, Thanh tra Bộ đã kiến nghị với Lãnh đạo Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục những sai sót, khuyết điểm, phát huy yếu tố tích cực trong công tác quản lý của mình, đồng thời giúp Thủ trưởng đơn vị được thanh tra nắm rõ tình hình hoạt động của các đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng nề nếp, nâng cao hiệu quả công việc và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Thanh tra Bộ nói riêng và Thanh tra ngành KH&ĐT nói chung sẽ nâng cao năng lực hoạt động, đẩy mạnh các nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.

Theo Thành Phong/Diễn Đàn Sự Thật  

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7106642842728744