Theo đó, dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai từ năm 2012 cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình. Nguồn vốn của dự án được triển khai qua Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc với tổng vốn gần 14 triệu USD. Khu vực triển khai dự án gồm 8 xã của 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công.
Thời điểm bắt đầu dự án, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình. Dự án được tư vấn bởi đơn vị Dohwa; nhà thầu KT Corporation của Hàn Quốc trúng thầu xây dựng.
Đến cuối năm 2019, dự án được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên hệ thống điện mặt trời này vừa sử dụng một thời gian thì nhiều thiết bị bị hư hỏng, thậm chí là hư hỏng khi mới nghiệm thu. Nhiều nơi dự án triển khai nhưng vẫn không có điện sử dụng.
Trước tình trạng trên, tháng 7 vừa qua UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra đối với dự án ĐMT để làm rõ những vấn đề bất ổn liên quan đến dự án. Kết quả cuộc thanh tra sẽ là căn cứ cho UBND tỉnh xem xét, quyết toán để kết thúc dự án.
Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra đối với dự án cung cấp điện mặt trời để làm rõ những vấn đề bất cập.
Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Bình, hiện đoàn thanh tra đã cơ bản xong việc kiểm tra thực địa, đang chuyển qua giai đoạn kiểm tra sổ sách, làm việc với các ban ngành liên quan dự án.
Dự án “đắp chiếu” không ai quyết toán
Dự án điện mặt trời cấp điện cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới tỉnh Quảng Bình được khởi động từ năm 2010. Chính phủ Hàn Quốc nhận tài trợ thông qua hiệp định vốn vay ODA giữa hai chính phủ với tổng số vốn hơn 14 triệu USD.
Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện, với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi. Sau nhiều trục trặc, mới đây dự án năng lượng mặt trời cũng hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng chưa được quyết toán. Nguyên nhân của việc chưa quyết toán, là dự án kéo dài quá nhiều năm, lãnh đạo từ dự án đến ngành chuyên môn và UBND tỉnh đã thay đổi qua nhiều người, nên không ai dám ký quyết toán một dự án kém chất lượng và quá nhiều sai phạm.
Người dân thì kêu trời vì dự án hoàn thành nhưng không có điện để sử dụng. Thay vì làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến dự án điện mặt trời, UBND tỉnh Quảng Bình lại ra quyết định kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời.
Mặc dù dự án điện mặt trời chưa được quyết toán, nhưng cuối năm 2022 UBND tỉnh Quảng Bình đã cho kéo điện lưới lên 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương, do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Mới đây tỉnh Quảng Bình lại tiếp tục ra quyết định đầu tư dự án điện lưới kéo về vùng Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa), nơi cũng được hưởng lợi dự án điện mặt trời.
Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, đồng thời là chủ đầu tư dự án điện lưới vào vùng Lòm cho biết: Dự án kéo điện lưới vào vùng Lòm được Ban Dân tộc đề xuất từ mấy năm trước, do dự án điện mặt trời hoàn thành nhưng không có điện để sử dụng. Mới đây UBND tỉnh chấp thuận với tổng vốn hơn 30 tỷ đồng, từ nguồn vốn trung ương. Hiện Ban đang làm các thủ tục để lựa chọn nhà thầu.
Ông Thanh cho biết, khi đề xuất dự án cũng có ý kiến, kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời sẽ lãng phí, nhưng trên thực tế dự án điện mặt trời không sử dụng được, mà nhu cầu dùng điện của người dân thì rất cấp thiết. Theo ông Thanh, dự án điện lưới độc lập, không liên quan đến dự án điện mặt trời nên không có phương án đấu nối, hay tận dụng hạ tầng của dự án điện mặt trời.
Ông Thanh bày tỏ, đáng ra dự án điện mặt trời mà quyết toán rồi, thì dự án điện lưới sẽ tận dụng được hệ thống cột điện hiện có của điện mặt trời, rất tiết kiệm, nhưng do chưa quyết toán nên không ai dám đụng vào. Dự án điện lưới phải đầu tư hệ thống cột điện chạy song song với hệ thống cột của dự án điện mặt trời, mặc dù hiện nay không sử dụng. Rất lãng phí!
Theo Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035 với tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 599,5 MWp và nhu cầu sử dụng đất khoảng 717,8ha, trong đó giai đoạn đến năm 2020, tổ chức khai thác khoảng 179,5 MWp/214,8 ha; giai đoạn đến năm 2021 - 2025: khoảng 180MWp/215ha; giai đoạn đến năm 2036 khoảng 240 MWp/288 ha. Với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên, tổng mức đầu tư là 14.911 tỷ đồng, ước tính phân kỳ đầu tư Quy hoạch phát triển điện mặt trời theo các giai đoạn như sau: Giai đoạn đến năm 2020 là 4.585tỷ đồng (tương đương 203 triệu USD); giai đoạn năm 2021 - 2025 là 4.565 tỷ đồng (tương đương 202 triệu USD); giai đoạn năm 2026 - 2035 là 5.761 tỷ đồng (tương đương 254 triệu USD).